Kenya mong muốn sự công tâm từ Hiệp hội Điền kinh quốc tế

Kenya mong muốn các quy định mới chống doping của Hiệp hội Điền kinh quốc tế sẽ được áp dụng công bằng, minh bạch và không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Kenya mong muốn sự công tâm từ Hiệp hội Điền kinh quốc tế ảnh 1Vận động viên Emmanuel Kipkurui Korir của Kenya. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, quan chức cấp cao của Uỷ ban Điều hành điền kinh Kenya (AK), ông Barnaba Korir, bày tỏ mong muốn các quy định mới chống doping của Hiệp hội Điền kinh quốc tế (IAAF) sẽ được áp dụng công bằng, minh bạch và không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

Theo các quy định mới được IAAF thông qua trong cuộc họp tuần trước ở Buenos Aires (Argentina), IAAF đã chia các liên đoàn thành viên thành 3 nhóm và mỗi nhóm sẽ phải chịu các nghĩa vụ khác nhau, dựa trên thành công của họ thời gian qua, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn về khả năng sử dụng doping của các vận động viên.

IAAF xếp Kenya trong nhóm A cùng Ethiopia, Belarus và Ukraine, được đánh giá là “các liên đoàn thành viên có các vận động viên tiềm ẩn nhiều khả năng sử dụng doping.”

Theo đó, các vận động viên Kenya sẽ phải trải qua ít nhất 3 lần kiểm tra doping trong vòng 10 tháng, trước một giải vô địch thế giới hoặc Đại hội thể thao Olympic.

Các quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2019, một năm trước khi Olympic Tokyo khai mạc.

Ông Korir cho rằng việc kiểm tra chất kích thích khắc nghiệt đối với các VĐV Kenya trở thành cơ sở để đảm bảo “sự trong sạch” cho phần còn lại là điều không công bằng đối với Kenya.

Tuy nhiên, AK sẽ hợp tác với IAAF để hoàn thành các thủ tục cần thiết, tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng chất kích thích trong thể thao. AK cũng hy vọng IAAF sẽ không phân biệt đối xử trong hoạt động kiểm tra doping.

Trong 6 năm qua, 50 vận động viên Kenya đã không vượt qua được các đợt thử doping.

Trong số đó, nhà vô địch marathon Olympic Rio Jemima Sumgong, nhà cựu vô địch Olympic và 3 lần vô địch thế giới cự ly 1.500 m Asbel Kiprop đã liên tục phủ nhận các hành vi sử dụng chất kích thích để đạt kết quả cao trong thi đấu.

Trước đây, chỉ có các vận động viên phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề kiểm tra và sử dụng doping, mà không phải các liên đoàn.

Tuy nhiên, Cơ quan liêm chính điền kinh (AIU), một tổ chức độc lập, quản lý các vấn đề liên quan chất kích thích trong thể thao, đã tham mưu cho IAAF đề ra các quy định mới, được xem là một bước quan trọng để đảm bảo tính trung thực.

Tháng 4/2017, AIU đã thay thế bộ phận chống doping của IAAF để trực tiếp kiểm tra và điều tra các hành vi sử dụng chất cấm trong thể thao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục