Kênh Suez của Ai Cập đạt mức doanh thu cao kỷ lục là 7 tỷ USD

Từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, khoảng 1,32 tỷ tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua kênh Suez. Điều này giúp SCA tăng thu nhập từ phí quá cảnh thêm 20% so với mức 5,8 tỷ USD trong tài khóa trước.
Kênh Suez của Ai Cập đạt mức doanh thu cao kỷ lục là 7 tỷ USD ảnh 1Tàu thuyền đi lại qua Kênh đào Suez, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/7, Cơ quan Quản lý kênh Suez của Ai Cập (SCA) thông báo đã ghi nhận mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay là 7 tỷ USD trong tài khóa 2021-2022, sau khi tăng phí quá cảnh đối với các tàu đi qua kênh đường thủy huyết mạch này.

Người đứng đầu SCA Osama Rabie nêu rõ trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 (tài khóa của Ai Cập), khoảng 1,32 tỷ tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua kênh Suez.

Điều này giúp SCA tăng thu nhập từ phí quá cảnh thêm 20% so với mức 5,8 tỷ USD trong tài khóa trước và là mức cao kỷ lục.

Theo quan chức này, các cuộc khủng hoảng trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của kênh Suez trong việc đảm bảo sự bền vững của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

[Phục hồi sau đại dịch: Kênh đào Suez đạt doanh thu hằng tháng kỷ lục]

Trong năm nay, SCA đã hai lần tăng phí đối với tàu thuyền quá cảnh qua kênh Suez, bao gồm cả các tàu chở dầu.

Tháng 4 vừa qua, SCA cũng ghi nhận doanh thu hằng tháng cao nhất cao nhất từ trước đến nay là 629 triệu USD.

Bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc tàu Ever Given bị mắc kẹt trong 6 ngày, năm 2021 cũng là năm SCA có doanh thu cao nhất từ trước đến nay với 6,3 tỷ USD.

Kết nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, kênh Suez chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại hàng hải toàn cầu.

Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập, quốc gia đang phải vật lộn chống lạm phát và việc đồng nội tệ bị mất giá do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Giá hàng hóa tăng mạnh đã đẩy lạm phát của Ai Cập trong tháng 6 lên 15,3%, mức cao nhất trong ba năm.

Trước đó, vào cuối tháng 3, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã cho phép tỷ giá đồng bảng Ai Cập giảm đi so với đồng USD, khiến đồng nội tệ này bị mất khoảng 18% giá trị chỉ trong một đêm.

Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, nguồn dự trữ ngoại tệ của Ai Cập cũng giảm 5,5 tỷ USD xuống còn 35,5 tỷ USD.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Ai Cập đã đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp khoản vay mới cũng như ký các thỏa thuận đầu tư trị giá hàng tỷ USD với Saudi Arabia và Qatar.

Tuần trước, Ai Cập thông báo đã nhận được 500 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục