Kênh quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ tìm cơ hội kinh doanh

Doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang Ấn Độ cần sử dụng hợp đồng thương mại hợp pháp để tránh những tranh chấp thương mại, được bảo vệ trước sự gian lận, cam kết sai, vấn đề hậu cần, khắc phục rủi ro.
Kênh quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ tìm cơ hội kinh doanh ảnh 1Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương. (Ảnh: Uyên Hương/Bnews/Vietnam+)

Việc tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ bằng phương thức truyền thống mà trực tuyến đã góp phần không nhỏ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương đã khẳng định như vậy tại hội nghị giao thương Việt Nam-Ấn Độ được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Theo ông Hoàng Minh Chiến, thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, Cục Xúc tiến thương mại đã đẩy mạnh tổ chức một số chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến với Ấn Độ và luôn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức xúc tiến thương mại Ấn Độ; trong đó, có Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Gujarat, cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, các đối tác và doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Ấn Độ.

Ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ nhận định qua nhiều hội thảo đã xác định dệt may, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực năng lượng tái tạo, hàng nông sản là động lực mới cho quan hệ thương mại và nhiều ngành khác còn nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, để biến các động lực và tiềm năng này thành hiện thực rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cộng động doanh nghiệp. Những buổi giao thương trực tuyến là kênh quan trọng để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, ông Hiren Gandhi, Chủ tịch, Ủy ban Thực phẩm và An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Gujarat khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Ấn Độ cần sử dụng hợp đồng thương mại hợp pháp để thoát những tranh chấp thương mại và được bảo vệ trước sự gian lận, cam kết sai, vấn đề hậu cần và khắc phục rủi ro trong kinh doanh.

“Hợp đồng pháp lý phù hợp có thể giúp bạn thoát khỏi 80% các tranh chấp thương mại. Ngoài ra, khi xuất khẩu sang Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam không nên sử dụng môi giới hoặc đại lý, bởi họ không có giá trị pháp lý,” ông Hiren Gandhi nhấn mạnh.

[Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực]

Ông Hiren Gandhi cũng cảnh báo, doanh nghiệp Việt Nam không nên giao kết mua bán với người mua trực tuyến ngay mà trước hết cần kiểm tra năng lực tài chính của người mua, yêu cầu họ đặt cọc trước cho các đơn hàng ít nhất từ 20-30% giá trị đơn hàng; đồng thời, đưa ra vấn đề về quyền xử lý hậu cần trong các hợp đồng thương mại.

Mặt khác, trong thương mại, đôi khi doanh nghiệp phải đối mặt với những vấn đề không mong muốn, một cuộc giao dịch không may mắn có thể phá hủy hoạt động kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên áp dụng quản lý rủi ro, tài liệu, hậu cần, bảo hiểm, chất lượng…

Cũng tại hội nghị, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Hiệp hội Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ, ông N S Srinivasa Murthy, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Karnataka, Ấn Độ và ông Bùi Trung Thướng, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng giới thiệu tới các doanh nghiệp hai nước về cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Ấn Độ, cũng như chia sẻ kinh nghiệm để hợp tác kinh doanh thành công với thị trường Việt Nam tới doanh nghiệp Ấn Độ.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang Ấn Độ; đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư Ấn Độ đến kinh doanh trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, ôtô, năng lượng…

Trong khuôn khổ sự kiện, doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã được Ban tổ chức sắp xếp giao thương trực tuyến để trao đổi giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp và tìm hiểu nhu cầu của đối tác. Qua đó, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Tại các phiên giao thương, doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới đối tác nhiều sản phẩm tiềm năng và chất lượng của Việt Nam, bao gồm hàng nông sản như rau củ quả, các loại hạt...; thực phẩm khô là xoài, thanh long sấy...; thủy hải sản, đồ uống, gia vị, bánh kẹo, hàng tiêu dùng các loại.

Những mặt hàng đưa ra giao thương được đánh giá là phù hợp với nhu cầu tiêu thụ cao của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục