Trong khi cơ quan chức năng đang loay hay tìm giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm tuyến kênh tả của Đại công trình thủy nông Nậm Rốm ở Điện Biên thì tuyến kênh hữu của công trình lịch sử này cũng đang đứng trước nguy cơ thành... “kênh chết.” Nhiều năm qua, hàng ngày người dân vứt trực tiếp xuống kênh không biết bao nhiêu loại rác thải, chất bẩn, xú uế và cả xác chết các loại gia súc, gia cầm... Khảo sát chiều dài hàng chục km của tuyến kênh hữu chảy qua địa phận các xã Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông, Noong Luống... thuộc huyện Điện Biên của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, chúng tôi thấy vô số những thứ rác thải trôi nổi lập lờ trên dòng kênh. Hình ảnh những bãi rác thải tự phát dọc suốt chiều dài bờ kênh; những bãi đất ngay cạnh mái kênh ngổn ngang vô số bao, bì thuốc trừ sâu người dân vứt bừa bãi cũng dễ dàng bắt gặp. Ở những “tiểu câu” (điểm kênh, mương đấu nối với tuyến kênh dẫn nước ra ruộng đồng) các loại rác thải ken cứng, chèn ứ gây tắc nghẽn dòng chảy.
Điểm chắn rác trên kênh hữu. (Ảnh: Xuân Tiến/Vietnam+)
Đặc biệt, dù biết nguồn nước tuyến bị ô nhiễm và tiềm ẩn những loại bệnh ngoài da, nhưng hàng chục người dân địa phương vẫn cắm cúi lội dưới dòng kênh để mò bắt ngao, hến. Cảnh trẻ con tắm, người dân giặt giũ quần áo và rửa rau trên bờ kênh cũng khá nhiều. Không ít lần chúng tôi bắt gặp người dân hốt hoảng lên bờ kênh vì gặp phải xác gia cầm, gia súc thối rữa trôi tới gần... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trên chiều dài gần 20km kênh hữu này, có một điểm chắn rác để thu gom rác thải nằm ở địa bàn xã Thanh Chăn. Tại điểm chắn rác này, vì khối lượng rác quá lớn tích tụ nên hàng ngày công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy nông Điện Biên phải cắt cử công nhân xuống vớt rác, chờ phơi khô rồi xử lý thủ công tại chỗ. Còn những thứ rác khác nếu “lọt” qua điểm chắn này sẽ theo dòng chảy đổ về hồ Cô Lôm, xã Noong Luống, huyện Điện Biên... Bà Lò Thị Mấng, xã Thanh Chăn, sinh sống gần điểm chắn rác cho biết hàng trăm thứ rác từ các xã khác theo dòng kênh đổ dồn về đây làm không khí quanh khu vực chắn rác này có mùi rất khó chịu. Ruồi nhặng và mùi hôi hám bốc lên từ những xác gia cầm, gia súc rất khó chịu. Những ngày rác đổ dồn về nhiều, trời nắng to thì người dân xung quanh phải đóng kín các cửa nhà để “chạy trốn” với mùi hôi thối. Ông Cà Văn Pánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Chăn cho biết tuyến kênh hữu cấp 1 chảy qua địa phận xã Thanh Chăn dài hơn 2km. Điều lo ngại nhất là ý thức bảo vệ người dân trên địa bàn xã còn kém. Không chỉ riêng người dân xã Thanh Chăn mà dân ở các xã khác sống dọc hai bên bờ kênh cũng vứt rác xuống mương. Tuy là "Xã điểm xây dựng nông thôn mới" nhưng đến nay, xã chỉ đạt 13/19 tiêu chí. Tiêu chí môi trường của xã vẫn chưa đạt, vì các thôn bản chưa quy hoạch điểm thu gom rác, mà thu gom xong cũng không có nơi xử lý. Mặc dù xã đã có giải pháp tuyên truyền người dân, huy động học sinh thu gom rác 2 bờ kênh nhưng tình trạng rác trên dòng kênh rất phức tạp.
Người dân vẫn thản nhiên lao động trên dòng kênh tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
(Ảnh: Xuân Tiến/Vietnam+)
Không phủ nhận thực tế này, bà Hà Thị Mai, Cụm trưởng Cụm Phai Đin, đơn vị trực tiếp quản lý tuyến 8km tuyến kênh hữu, thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý thủy nông Điện Biên, cho biết: “Nguyên nhân tuyến kênh này có nhiều rác là do người dân trên địa bàn và nhân dân xung quanh không có ý thức, ban ngày không vứt được thì ban đêm họ chở rác từ trong làng ra đổ. Người dân đã ký cam kết với chúng tôi nhưng khi chúng tôi không có mặt thì dân vẫn cho rác xuống kênh. Chúng tôi không thể nào quản lý được hết..." Ngoài giá trị kinh tế khi giúp người dân Điện Biên thâm canh được 3 vụ (2 vụ lúa, 1 vụ rau) với năng suất đạt từ 7-8 tấn/ha trên diện tích canh tác lên đến hơn 5.000ha như hiện nay; Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm này còn chứa đựng những giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc. Đó là thành quả lao động miệt mài của 2.000 chiến sỹ Tổng đội Thanh niên xung phong trong suốt 6 năm (từ 1963-1968) trong thời kỳ cả nước có chiến tranh. Vì những giá trị đó, cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ tuyến kênh trọng yếu này./.
Xuân Tiến (Vietnam+)