Kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn khi vàng tỏa sáng trở lại?

Thời gian gần đây, giới đầu tư chứng kiến một thực tế là vàng tăng giá ngay cả khi thị trường chứng khoán “xanh sàn.” Sự biến động của các cổ phiếu và giá vàng đang ngày càng xa rời nguyên tắc cơ bản.
Một cửa hàng kim hoàn tại Khartoum, Sudan. (Nguồn: THX/TTXVN)
Một cửa hàng kim hoàn tại Khartoum, Sudan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cùng với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 và sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu, các kênh đầu tư an toàn đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Bởi vậy, giá kim loại quý như vàng liên tục đi lên trong thời gian qua, thậm chí còn được thúc đẩy mạnh hơn bởi tình hình bất ổn địa chính trị gia tăng, khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn tồi tệ nhất hàng chục năm qua.

Chuyển động khó đoán định

Thông thường, giá vàng thế giới luôn biến động ngược chiều với thị trường chứng khoán, bởi khi nhu cầu đối với các tài sản rủi ro tăng cao đương nhiên sẽ gây bất lợi cho các “thiên đường trú ẩn an toàn” như vàng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giới đầu tư chứng kiến một thực tế là vàng tăng giá ngay cả khi thị trường chứng khoán “xanh sàn.”

Điều này cho thấy, sự biến động của các cổ phiếu và giá vàng đang ngày càng xa rời các nguyên tắc cơ bản.

Vào tháng 9/2011, chỉ ít năm sau khi nền kinh tế thế giới rơi cuộc suy thoái 2008-2009, vàng leo lên mức cao nhất mọi thời đại (tính đến thời điểm hiện tại) là 1.920,30 USD/ounce.

Đây được xem là hệ quả của các khoản nợ “khổng lồ” liên quan tới Mỹ và châu Âu, khiến giới đầu tư đổ xô tìm vàng làm nơi “trú chân.”

[Giá vàng thế giới hướng tới mức cao nhất từ trước tới nay]

Tuy nhiên, vàng nhanh chóng đảo chiều hạ trong hai năm liên tiếp sau đó, với đà giảm mạnh nhất diễn ra trong khoảng từ tháng 10/2012 đến tháng 7/2013, khi kim loại quý để mất khoảng 1/3 giá trị.

Giá vàng tiếp tục giảm xuống mức 1.060 USD/ounce vào tháng 1/2016 do đồng USD mạnh lên, trước khi phục hồi trong năm 2018, khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đồng loạt giảm điểm.

Khi đánh giá tất cả các yếu tố kinh tế vĩ mô không mấy thuận lợi kể từ đầu năm nay, đà tăng của giá vàng là hoàn toàn hợp lý.

Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng khoảng hơn 19% nhờ môi trường lãi suất thấp và các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế từ các ngân hàng trung ương lớn nhằm hỗ trợ các nước vượt qua tác động của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tình hình thị trường trong đợt dịch COVID-19 này có điểm khác biệt.

Ngay cả khi số ca mắc mới tăng và các số liệu kinh tế trở nên tồi tệ hơn, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục đi lên.

Ông Cameron Alexander, Giám đốc phụ trách mảng nhu cầu kim loại tại công ty dữ liệu thị trường Refinitiv, cho biết điều đó đã đẩy vàng vào vùng giao dịch mới khó đoán định.

Ngưỡng 2.000 USD/ounce liệu có còn xa?

Mặc dù phải “chật vật” để tìm hướng đi sau khi bật tăng mạnh vào thời điểm cuộc khủng hoảng COVID-19 lên đến đỉnh điểm, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs vẫn nghiêng về khả năng giá vàng sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới, do lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và đồng USD suy yếu.

Giá vàng đã giảm nhẹ trong tháng Tư và tháng 5/2020, khi các nhà đầu tư kỳ vọng rằng đại dịch COVID-19 sẽ được ngăn chặn, qua đó thúc đẩy nhu cầu đầu tư rủi ro.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng sự chững lại của giá vàng giai đoạn này là do sự nhu cầu sụt giảm từ các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi, cũng như sự thận trọng trong đầu tư tại các nền kinh tế phát triển.

Trong tháng Tư và tháng 5/2020, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã giảm 99% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi Ngân hàng trung ương Nga ngừng mua vàng sau khi giá dầu liên tục lao dốc do những bất đồng giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ về việc cắt giảm nguồn cung.

Tuy nhiên, Goldman Sachs mới đây đã cập nhật dự báo giá vàng trong 6 và 12 tháng tới lên 1.900 USD/ounce và 2.000 USD/ounce từ mức dự báo trước đó là 1.650 USD/ounce và 1.800 USD/ounce.

Tháng trước, Bank of America (BofA) cũng dự báo giá vàng sẽ lập kỷ lục mới.

Trong tháng 4/2020, ngân hàng này dự báo giá kim loại quý này có thể chạm 3.000 USD/ounce.

Michael Widmer, chiến lược gia về hàng hóa của BofA Securities, cho rằng đà tăng sẽ được tiếp sức từ sự bất ổn trên toàn cầu.

James Steele, chuyên gia phân tích thị trường kim loại quý của ngân hàng HSBC, lại nhận định rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu (dù với tốc độ nào) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá vàng, song những nhân tố cơ bản tác động chính đến giá vàng là môi trường lãi suất thấp, sự kích thích tài chính và tiền tệ đáng kể và tác động lạm phát lên giá tài sản.

Triển vọng lạc quan cho thấy vàng có thể mang lại tỷ suất sinh lợi cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới đang dao động ở đỉnh 9 năm, chi phí mua cũng sẽ rất cao. Tại Việt Nam, giá vàng cũng liên tiếp xác lập mức cao kỷ lục trong những phiên gần đây.

Lúc 15 giờ 10 phút ngày 23/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,1-54,22 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Mức giá này tăng khoảng 800.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Ông Albert Cheng, Giám đốc điều hành của Hiệp hội thị trường vàng thỏi Singapore, cho hay trong bối cảnh hiện tại, câu hỏi được đặt ra không phải là “thời điểm nào để mua vàng” mà là “nên mua vào bao nhiêu.”

Theo ông, vàng vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đa số danh mục đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ cần phân bổ thêm 1-2% cho kim loại quý này là đã có sự khác biệt rất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục