Kênh bán lẻ làm mới hoạt động "hút" người tiêu dùng quay lại điểm bán trực tiếp

Một số nhà bán lẻ làm mới hoạt động kinh doanh với hàng loạt sự kiện trọng tâm hướng đến mùa mua sắm cuối năm thu hút người tiêu dùng quay trở lại với điểm bán trực tiếp.
Người dân lựa chọn rau củ tại một siêu thị của Saigon Co.op. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong những tuần đầu tháng 11/2024 cho thấy thị trường bán lẻ ở kênh thương mại hiện đại nhộn nhịp chương trình kích cầu tiêu dùng, đổi mới trải nghiệm và phục vụ tối đa nhu cầu người tiêu dùng.

Cùng với đó, một số nhà bán lẻ làm mới hoạt động kinh doanh với hàng loạt sự kiện trọng tâm hướng đến mùa mua sắm cuối năm thu hút người tiêu dùng quay trở lại với điểm bán trực tiếp.

Điển hình, tại hệ thống trung tâm MM Mega Market, Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra sự kiện “Hương vị Ẩm thực Italy,” giới thiệu đến người tiêu dùng Việt văn hóa ẩm thực giàu truyền thống, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thực phẩm và đồ uống nhập khẩu từ Italy.

Thông qua sự kiện, MM Mega Market giới thiệu hàng trăm sản phẩm ẩm thực chất lượng cao và mới lạ đến từ Italy như pizza, mì ống, mỳ spaghetti, xốt cà chua, xốt pesto, dầu oliu, rượu vang, mứt các loại…

Liên quan đến sự kiện “Hương vị Ẩm thực Italy,” ông Regis Delesque, Giám đốc Vận hành của MM Mega Market Việt Nam, cũng chia sẻ đây là năm thứ 3 liên tiếp nhà bán lẻ hợp tác với doanh nghiệp Ý tổ chức sự kiện “Hương vị Ẩm thực Italy” và tiếp tục là cầu nối cho văn hóa ẩm thực nước này đến với thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, người tiêu dùng mua sắm tại MM Mega Market trong thời gian diễn ra sự kiện từ nay đến ngày 18/11/2024 còn có cơ hội tốt cho khách hàng mua sắm những sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Italy với mức ưu đãi lên đến 40%.

Không kém phần cạnh tranh, chương trình “Tri ân triệu cảm xúc” của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) bước sang tuần thứ 3 với chủ đề “Tuần lễ trái cây” với mức giảm giá từ 20-25% cho hơn 100 mặt hàng trái cây nhiệt đới và ngoại nhập.

Cùng với đó, hàng loạt chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng, gồm: Siêu ưu đãi - Deal khủng cuối tuần; Shopping Season; Hạng càng cao giảm càng sâu…

Mới đây, Saigon Co.op cũng vừa chính thức đưa vào hoạt động Co.opXtra Tạ Quang Bửu tại Trung tâm Thương mại Central Premium, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm chuẩn bị đón đầu cao điểm kinh doanh cuối năm.

Đại siêu thị Co.opXtra Tạ Quang Bửu có diện tích kinh doanh gần 3.000m2, được định hướng theo tiêu chí tối ưu diện tích và tiện ích, phục vụ tối đa các nhu cầu của người tiêu dùng tại chỗ.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, điểm chung của các đại siêu thị Co.opXtra, siêu thị Co.opmart được Saigon Co.op khai trương trong quý 4/2024 là nằm trong những khu chung cư, khu dân cư hiện đại nên đặc biệt ưu tiên đầu tư về diện tích, hàng hóa cho nhóm hàng thực phẩm ăn nhanh hằng ngày, thực phẩm tươi sống, sơ chế tẩm ướp, chế biến sẵn... Đồng thời, mảng dịch vụ cũng được đẩy mạnh, đảm bảo mang đến trải nghiệm mua sắm thoải mái nhất cho khách hàng.

Cụ thể, Co.opXtra Tạ Quang Bửu cung cấp hơn 30.000 mặt hàng nhu yếu chất lượng, với tỷ lệ 80% là hàng Việt chất lượng cao. Nét đặc trưng của Co.opXtra Tạ Quang Bửu là khu vực thư giãn dành cho khách hàng với không gian quầy sách miễn phí, khu vui chơi dành các bé…

Trong khi đó, dự kiến tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ cho 2 tháng (trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025) của hệ thống bán lẻ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một Thành viên (Satra), gồm siêu thị tự chọn Satramart và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods ước tăng từ 15% đến 20% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhà bán lẻ này đã công bố kế hoạch tăng cường dự trữ hàng hóa.

Ngoài ra, Satra tập trung đảm bảo nguồn cung nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng bình ổn thị trường; chuẩn bị lượng hàng phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý, nhất là không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, tăng giá đột biến, hàng kém chất lượng trong cao điểm mua sắm.

Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng giám đốc Satra, cho hay nhà bán lẻ này đã làm việc với các nhà cung cấp về việc đảm bảo giá và nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu khi có nhu cầu về sản phẩm trong từng lĩnh vực và ổn định trước trong và sau Tết. Tổng giá trị hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu dự trữ cho dịp Tết của hệ thống bán lẻ Satra ước tăng từ 15% đến 20% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Những đơn vị trong hệ thống bán lẻ Satra sẽ phối hợp với Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan)… để có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng rau củ quả, thủy hải sản và thịt gia súc… bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa trên toàn hệ thống; trong đó, Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 930 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5% so với tết Giáp Thìn 2024) và khoảng 3.700 tấn thực phẩm chế biến (tăng khoảng 8% so với cùng kỳ) cung cấp cho hơn 120.000 điểm bán hàng trên cả nước.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, một số người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, so với thời điểm đầu năm 2024 thì thị trường bán lẻ ở kênh thương mại hiện đại ở thời điểm này sôi động hơn, nhất là khi nhiều nhà bán lẻ tối ưu diện tích, phục vụ tối đa nhu cầu người tiêu dùng.

Cụ thể, nhà bán lẻ thông tin sâu rộng đến người tiêu dùng những chương trình kích cầu tiêu dùng, ưu đãi dành cho khách hàng, bên cạnh minh bạch thông tin nguồn cung, sản lượng hàng hóa phục vụ cho từng mùa mua sắm cao điểm hay dịp Lễ/Tết.

Điều này, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm, mà còn có thể dự kiến kế hoạch mua sắm tận dụng được cơ hội “săn” hàng ở các chương trình kích cầu, giảm giá, khuyến mãi và ưu đãi luân phiên theo mùa vụ.

Đồng thời, trước bối cảnh thị trường thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến (online) ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro về hàng kém chất lượng, hàng giả và khó truy suất được nguồn cung cấp, đơn vị sản xuất kinh doanh…, người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại với điểm bán trực tiếp.

Còn chị Mỹ Trang, cư ngụ tại quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng với việc chuyển đổi mô hình bán lẻ, làm mới điểm bán thông qua tăng thêm tiện ích, dịch vụ…, nhiều nhà bán lẻ đã và đang giữ chân được khách hàng, cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh thị phần.

Hiện nay, nhiều khách hàng như gia đình, người trung niên, giới trẻ… đến trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ… không chỉ để mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mà còn “săn” hàng tiêu dùng đặc sản, tìm kiếm không gian ẩm thực, hoạt động vui chơi-giải trí…

Thống kê của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay trên địa bàn thành phố có khoảng 230 chợ, 3 chợ đầu mối, 267 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi, đam bảo hệ thống phân phối, bán lẻ duy trì đảm bảo khả năng cung ứng đa dạng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân.

Tuy nhiên, dự kiến đến hết năm 2024, những con số này sẽ có sự thay đổi theo xu hướng tăng khi nhiều nhà bán lẻ chính thức khai trương và đưa vào hoạt động các điểm bán lẻ mới thuộc kênh thương mại hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục