Trao đổi với phóng viên liên quan đến vụ việc một bé gái 9 tuổi tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị xâm hại tình dục, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã phối hợp với Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội) trực tiếp xuống tiếp cận với nạn nhân, gia đình nạn nhân để trợ giúp dịch vụ phục hồi về tâm lý, thể chất và các biện pháp hỗ trợ tư pháp khác.
[Chống xâm hại tình dục trẻ nam - cần lấp khoảng trống pháp lý]
Theo thông tin từ một số trang báo, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Trình (31 tuổi) để điều tra, làm rõ hành vi xâm hại tình dục một bé gái 9 tuổi trên địa bàn. Tuy nhiên, sau 8 ngày tạm giam, đơn vị này đã cho đối tượng được tại ngoại.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết đã gửi công văn yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội xác minh thông tin bị can đã được tại ngoại để báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ nạn nhân và tiến hành tố tụng theo đúng quy định của pháp luật đối với vụ án hình sự xâm hại tình dục trẻ em.
Về phía Cục Trẻ em, ông Đặng Hoa Nam bày tỏ quan điểm không nhất trí với biện pháp cho phép bị can tại ngoại của cơ quan điều tra huyện Chương Mỹ.
“Theo Chỉ thị 18/CT-TTg 2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thì cơ quan điều tra có thẩm quyền tiến hành triệt để các biện pháp tạm giam, tạm giữ để phục vụ công tác điều tra đối với một vụ án hình sự cho đến khi các thủ tục tư pháp hoàn tất, tòa tiến hành xét xử. Cho nên, Cục Trẻ em không đồng tình với việc cho phép bị can đang bị khởi tố liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em được tại ngoại,” ông Đặng Hoa Nam nói.
Ông Đặng Hòa Nam nhấn mạnh, việc vội vàng kết luận đây là một tội phạm ít nghiêm trọng và cho phép tại ngoại không phù hợp với quan điểm tư pháp, chính sách pháp luật của Bộ Luật Tố tụng Hình sự trong quá trình giám định, xác minh điều tra với một vụ án hình sự xâm hại tình dục trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam cho hay, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, cơ quan điều tra có thẩm quyền ký quyết định cho bị can tại ngoại phải xét tính chất của hành vi vi phạm có gây nguy hại, đe dọa đến nạn nhân hay không; xem xét nhân thân và phải làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm bảo lãnh đối tượng bị khởi tố tại ngoại để đảm bảo các biện pháp an toàn đối với trẻ em là nạn nhân. Nếu như có vấn đề xảy ra, cơ quan điều tra hoàn toàn có trách nhiệm với quyết định không phù hợp này.
Trong các biện pháp trợ giúp gia đình nạn nhân, ngoài việc hỗ trợ cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra, các cán bộ bảo vệ trẻ em sẽ hỗ trợ cho gia đình trẻ cách để bảo mật thông tin, đảm bảo quyền riêng tư cho trẻ em.
“Thời gian vừa qua, một số trang thông tin đã vi phạm quy định của Luật Trẻ em về đảm bảo quyền riêng tư cho trẻ, đặc biệt là trong vụ việc xâm hại tình dục trẻ em khi đưa quá chi tiết về tên, địa chỉ, hình ảnh của trẻ. Cục Trẻ em đã chính thức có công văn gửi các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để có hướng dẫn cho các cơ quan báo chí và tham mưu về các chế tài hành chính, các biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo quyền riêng tư cho trẻ em,” ông Đặng Hoa Nam nói./.