Kế hoạch tiêm phòng vaccine cho trẻ em phải kỹ càng, chu đáo

Về tình hình tiêm chủng cho trẻ từ 12 cho đến 17 tuổi ở trong nước, đến nay số mũi tiêm đã đạt tới 17 triệu; trong đó mũi tiêm thứ nhất đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đạt 94,6%.
Tiêm vaccine cho học sinh ở Trường THCS Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Kế hoạch tiêm phòng vaccine cho trẻ em phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo. Quan điểm trên được các chuyên gia nêu lên tại tọa đàm với chủ đề “Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em-Những lưu ý quan trọng,” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 18/2.

Cần đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng

Việc thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19."

Chính nhờ thành tựu đó, đến nay, hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi giống như mảnh ghép cuối cùng rất quan trọng.

Chia sẻ thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi ở các nước trên thế giới hiện nay, cùng những thông tin mới nhất từ nghiên cứu và thực tiễn tiêm ở các nước phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Tính an toàn của vaccine cho trẻ ở độ tuổi này cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Thông tin thêm về tình hình tiêm chủng cho trẻ từ 12 cho đến 17 tuổi ở trong nước, bà Dương Thị Hồng cho biết, chiến dịch rất thành công. Số mũi tiêm đã đạt tới 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đạt 94,6%. Việc này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm chủng rất an toàn và nhận được sự đồng tình cao của các bậc phụ huynh.

Chỉ có từ 0,5-10% các cháu được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường, tùy từng địa phương, thấp hơn nhiều so với số liệu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Một số trường hợp phản vệ độ 2, viêm cơ tim, nhưng đã được xử trí kịp thời, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc.

Đánh giá về hiệu quả ban đầu của việc tiêm vaccine trong phòng, chống lây nhiễm, điều trị COVID-19 ở nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, hiện đang điều trị trong hai Bệnh viện Nhi hàng đầu của đất nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, hiệu quả của vaccine là cơ bản và hữu hiệu để đẩy lùi COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo cần đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt cho nhóm người nguy cơ và nhóm yếu thế (nhóm trẻ em).

“Tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Các cháu khi bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm chủng từ 12-17 tuổi phải nhập viện. Với nhóm này, chúng ta đã làm giảm tình trạng phải nhập viện, giảm thiểu được dấu hiệu chuyển nặng của bệnh,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển nói.

[Gần nửa triệu trẻ em Việt Nam mắc COVID-19: Không thể chủ quan]

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, vaccine là vũ khí để chiến thắng trong cuộc chiến COVID-19. Sau chuyện người lớn được tiêm vaccine, sự lo lắng dồn qua trẻ em dưới 18 tuổi.

Tháng 10/2021, nhân chuyến làm việc của Chủ tịch nước đến Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người dân gọi điện thoại cho bác sỹ quan tâm đề xuất với Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Y tế tiêm cho các cháu dưới 18 tuổi. Qua kiến nghị của người dân và cử tri, Chính phủ đã triển khai tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi, đây là chủ trương đúng đắn.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi 100% an toàn. Hiện trường học mở cửa trở lại, học sinh từ lớp 6 đến 12 yên tâm đi học.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau), hồi tháng 11/2021. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tháng 7/2021, điều trị hơn 2.000 ca mắc COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi, từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm.

Cụ thể, tháng 11/2021, có 163 trường hợp nhập viện; tháng 12/2021 là 150 trường hợp; đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp. Có nhiều yếu tố dẫn đến trẻ em nặng nhập viện giảm. Tuy nhiên, tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện.

Bảo đảm chương trình tiêm chủng thực sự an toàn

Dẫn con số thống kê của Bộ Y tế, trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 với tỷ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển cho rằng, ở Hà Nội, do phủ được vaccine tốt ở tất cả các nhóm trên 12 tuổi, tình trạng bệnh nhẹ là chủ yếu. Nhưng với nhóm tuổi chưa được tiêm chủng, nhóm trẻ bị bệnh nền, cần có những quan tâm đặc biệt.

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau. Tới đây tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn. Cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ..., tới đây, Viện sẽ tập huấn rất kỹ lưỡng.

“Triển khai công tác tiêm chủng bao giờ cũng song song với công tác hướng dẫn, xử trí các phản ứng nặng sau tiêm. Một trong những nội dung đó chính là các chuyên gia nhi khoa phải hướng dẫn cán bộ làm y tế dự phòng, cán bộ y tế xã, huyện nhận định được thế nào là dấu hiệu bất thường của phản ứng sau tiêm liên quan đến nhóm tuổi trẻ. Đặc biệt tới đây là trẻ rất nhỏ,” vị chuyên gia này khẳng định.

Bà Dương Thị Hồng cho rằng, các thầy, cô cần nắm được nội dung về chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết về tổ chức tiêm chủng và tham gia ngay những phút đầu trong buổi tiêm. Đó là theo dõi các phản ứng bất thường xảy ra ngay sau khi tiêm chủng; đồng hành với ngành y tế, có những cuộc họp phụ huynh để chia sẻ công tác tổ chức, đảm bảo một lần nữa truyền tải đến phụ huynh công tác tổ chức tiêm chủng ở các trường học rất an toàn.

Mặc dù tổ chức tiêm ở trường nhưng cán bộ tiêm chủng là từ các trạm y tế và có những đội tổ chức theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, cấp cứu phản ứng sau tiêm là các cán bộ chuyên khoa, cán bộ hồi sức cấp cứu đã được hỗ trợ từ tuyến huyện, thậm chí có một số nơi, các thành phố lớn là tuyến tỉnh hỗ trợ.

Bà Dương Thị Hồng đề nghị các chuyên gia nhi khoa xem xét lại, hướng dẫn cán bộ y tế khám sàng lọc cho các bé trước khi tiêm chủng để có được chương trình tiêm chủng thực sự an toàn. Mặc dù kinh nghiệm đã có, nhưng đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, đây là một vaccine mới, cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục báo cáo với Bộ Y tế và duy trì cách thức tổ chức như các chiến dịch trước, đặc biệt là công tác cấp cứu và xử trí phản ứng sau tiêm. Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ cố gắng cung ứng vaccine với chất lượng đảm bảo nhất tới tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Cho rằng, “đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng,” với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn, theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển, đây là vấn đề cần phải quan tâm.

“Với loại vaccine như vậy, chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vaccine này cho trẻ em. Sự an toàn của loại vaccine này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vaccine cũng đã cấp phép khẩn cấp vaccine cho nhóm tuổi này. Đã có 60 nước chỉ định vaccine này cho trẻ em,” ông nói.

Trẻ em xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trường học ở Long An, hồi tháng 11/2021. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Phân tích kỹ hơn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển cho biết, bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin - khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus.

Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại, vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.

Vai trò của phụ huynh là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.

“Để tiêm cho trẻ em, kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo, trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc COVID-19 rất nguy hiểm.

Chỉ còn 10% trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc COVID-19 rất cao... Nếu trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường.” Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Hùng nêu quan điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục