Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 805/QĐ-TTg ngày 7/8/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được xác định trong Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đến năm 2030, xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, nguồn lực và lộ trình triển khai để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các dự án ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch); định hướng cho các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông.
Bốn nhóm nội dung chính
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng căn cứ quy định tại Điều 45 Luật Quy hoạch, bao gồm 4 nhóm nội dung chính: Dự án đầu tư công; Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; Kế hoạch sử dụng đất; Chính sách, giải pháp về thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch và về phát triển, sử dụng nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công sử dụng nguồn vốn Ngân sách nhà nước
Cụ thể, về dự án đầu tư công: Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông do các bộ, ngành, địa phương (Bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố) chủ trì phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông. Trong đó:
Nhóm các dự án hạ tầng thông tin và truyền thông ưu tiên đầu tư do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, tổ chức, điều phối: Nhóm dự án hạ tầng bưu chính, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về bưu chính; Nhóm dự án hạ tầng số, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về viễn thông; Nhóm dự án ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin; Nhóm dự án công nghiệp công nghệ thông tin, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ thông tin; Nhóm dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Nhóm các dự án hạ tầng thông tin và truyền thông ưu tiên đầu tư do các bộ, ngành, địa phương (Bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố) chủ trì, tổ chức, điều phối: Nhóm dự án hạ tầng số, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về viễn thông; Nhóm dự án ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin; Nhóm dự án công nghiệp công nghệ thông tin, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ thông tin; Nhóm dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công bao gồm nhóm các dự án hạ tầng thông tin và truyền thông ưu tiên đầu tư do các doanh nghiệp thực hiện, cụ thể: Nhóm dự án hạ tầng bưu chính; Nhóm dự án hạ tầng số, bao gồm cả các dự án cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước về viễn thông; Nhóm dự án ứng dụng công nghệ thông tin; Nhóm dự án công nghiệp công nghệ thông tin; Nhóm dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng./.
Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Định hướng phát triển mạng bưu chính đồng bộ, hiện đại, gắn kết giữa thế giới thực và thế giới số, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số.