Kế hoạch rút khỏi INF của Mỹ tác động tới an ninh châu Á

Kế hoạch rút khỏi INF của Mỹ có thể gây ra những tác động đối với châu Á, đặc biệt là khả năng làm gia tăng đối địch giữa các cường quốc hạt nhân như Trung Quốc và Ấn Độ.
Kế hoạch rút khỏi INF của Mỹ tác động tới an ninh châu Á ảnh 1Tên lửa Agni- I của Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng CNBC.com, các kế hoạch của Mỹ nhằm rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga thời Chiến tranh Lạnh có thể gây ra những tác động đối với châu Á, có khả năng làm gia tăng đối địch giữa các cường quốc hạt nhân như Trung Quốc và Ấn Độ.

Nếu hiệp ước này bị bãi bỏ, thì cả Washington và Moskva sẽ “tự tung tự tác” để phát triển và triển khai nhiều tên lửa hơn - một viễn cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với liên minh châu Âu do khối này có địa lý gần gũi với Nga.

Tuy nhiên, có một vấn đề ít được thảo luận là tác động của quyết định trên đối với châu Á.

Nhân tố Trung Quốc

Các chiến lược gia nhận định Trung Quốc, một nước cung cấp và nhập khẩu vũ khí lớn trên thế giới, là một nhân tố chính trong mong muốn của Trump từ bỏ INF.

Nhà Trắng lâu nay quan ngại về kho tên lửa khồng lồ của Bắc Kinh và quá trình quân sự hóa của nước này ở Biển Đông.

C. Raja Mohan, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie ở Ấn Độ lưu ý rằng tên lửa Trung Quốc đe dọa lực lượng tàu hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và các căn cứ quân sự của Mỹ gần đó song vì bị ràng buộc bởi INF, các lực lượng tên lửa của Mỹ ở châu Á bị giới hạn .

Chuyên gia Mohan nhận định đó là lý do tướng lĩnh quốc phòng Mỹ theo quan điểm diều hâu như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton ủng hộ việc rút khỏi INF. Với họ, hiệp ước này “là một ý tưởng tồi vì nó đã để Trung Quốc và Triều Tiên rảnh tay hủy hoại an ninh của Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á.” 

Amit Bhandari, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng và môi trường tại Gateway House ở Mumbai, nhận định kho tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh, ước tính hơn 2.000 chiếc, là mối đe dọa đối với các nước và lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan cũng như các lực lượng quân sự của Mỹ ở khu vực.

[Tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ có kích hoạt cuộc đua vũ trang hạt nhân mới?]

Trump đã bày tỏ mong muốn Bắc Kinh tham gia INF song chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình lại tỏ dấu hiệu cho thấy không hề quan tâm đến vấn đề này.

Theo chuyên gia Bhandari, nếu Mỹ rời bỏ INF thì nước này sẽ tự do phát triển và triển khai vũ khí tại các căn cứ quân sự ở châu Á.

Kế hoạch rút khỏi INF của Mỹ tác động tới an ninh châu Á ảnh 2Một loại tên lửa của quân đội Mỹ. (Nguồn: The Moscow Times/TTXVN)

Khả năng là Washington có thể triển khai nhiều hệ thống tên lửa hoạt động ở mặt đất hơn tại khu vực Tây Thái Bình Dương hoặc tăng cường lực lượng của mình ở Okinawa, như những gì mà trang mạng tình báo Stratfor nhận định.

Tuy nhiên, chính quyền Tập có thể coi những động thái trên của Mỹ là mối đe dọa. Trước kia, Bắc Kinh thường phát triển các loại tên lửa mới để đuổi kịp các bước tiến về quân sự của Mỹ.

“Trung Quốc giờ có thể tự thấy mình không còn phải đối mặt với mối đe dọa bất đối xứng vốn trước đây khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại,” Bhandari nhận định.

Cuộc đua vũ trang ở châu Á

Bắc Kinh lâu nay đã chỉ trích gay gắt những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á, từ việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc đến việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải gần Đài Loan.

Bất kỳ phản ứng nào của Trung Quốc đối với hành động khiêu khích của Mỹ có thể tạo tác động lan tỏa sang cả Ấn Độ và Pakistan. “Cuộc đua vũ trang là một hiện tượng xảy ra ào ào như thác đổ,” Rajesh Basrur, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore bình luận.

[Rút khỏi INF - Mồi lửa thổi bùng căng thẳng Mỹ-Trung Quốc]

“Khi Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ, điều này làm nảy sinh sự bất ổn và động cơ cạnh tranh ở Ấn Độ, rồi tiếp đến là ở Pakistan.” 

Hồi đầu tháng 10, New Delhi mua công nghệ tên lửa hiện đại trị giá 5 tỷ USD từ Nga, một thương vụ cho thấy cách thức Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định quyền lực ở Nam Á, nơi Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn.

Theo ông Mohan, nếu Trump từ bỏ INF, New Delhi “sẽ phải nghiêm túc đánh giá những ẩn ý mà các cường quốc thực hiện tiếp theo.”

Ấn Độ “sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng và thấu đáo về chương trình tên lửa của mình bằng cách tập trung vào nhu cầu khẩn thiết hiện nay là tăng cường nỗ lực trong nước cũng như đa dạng hóa hợp tác quốc tế về vũ khí siêu thanh.” 

Thực tế, việc phát triển vũ khí siêu thanh ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Mỹ đã khiến nhiều người tin rằng cuộc đua vũ trang toàn cầu đã bắt đầu.

Chuyên gia Basrur nhận xét: “Tương lai rất khó đoán định.”

Bị kích động bởi những căng thẳng chiến lược, cuộc đua vũ trang mới sẽ tiếp diễn ở đâu đó trên thế giới và một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Các cuộc đàm phán sẽ lại bắt đầu và các cường quốc cạnh tranh nhau sẽ lại nỗ lực duy trì một thế cân bằng ổn định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục