Kế hoạch phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2020

Vùng Tây Nguyên phấn đấu GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 7,9%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 8,7%/năm

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kèm theo Quyết định số 276/QĐ-TTg Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020.

Theo kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 là phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng với cả nước nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội của vùng so với cả nước.

Mục tiêu đặt ra là đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, nhằm xây dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phát triển kinh tế-xã hội gắn với từng bước thực hiện đô thị hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng trên địa bàn...

Vùng Tây Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 7,9%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 8,7%/năm; đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng và vào năm 2020 đạt khoảng 46 triệu đồng.

Tỷ trọng nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế vào năm 2015 là 43,6%; 29,2%; 27,2%; đến năm 2020 cơ cấu kinh tế tương ứng là 34,7%; 35%; 30,3%.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 bình quân 17%/năm, giai đoạn 2016-2020 khoảng 15,5%/năm. Tây Nguyên phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 khoảng 1,5%/năm và khoảng 1,4%/năm giai đoạn 2016-2020; đến năm 2015 quy mô dân số khoảng 5,8 triệu người và đến năm 2020 khoảng 6,4 triệu người.

Vùng Tây Nguyên phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống dưới 16%; tiếp tục tăng các chỉ số huy động học sinh ra lớp, thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học cho khoảng 50% đến 60% số xã. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 3% và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 50-55%; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên khoảng 59%...

Vùng Tây Nguyên giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường đoàn kết các dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh; xây dựng các tỉnh trong vùng thành các khu vực phòng thủ vững chắc.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên cần tập trung tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường, bảo đảm việc sử dụng đất phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Các tỉnh vùng Tây Nguyên tiếp tục thực hiện tốt công tác bố trí dân cư, định canh định cư cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt là ở vùng nguy cơ cao về thiên tai, vùng biên giới và vùng di cư tự do đến ở phân tán không theo quy hoạch để đến năm 2015 ổn định các buôn, làng, cụm dân cư, đưa các vùng dân cư tự do hòa nhập sự phát triển của Tây Nguyên.

Các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm sản; đầu tư một số nhà máy chế biến cao su, càphê... của vùng Tây Nguyên đạt tầm khu vực và quốc tế.

Vùng Tây Nguyên tập trung xây dựng đời sống văn hóa và bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc, trên cơ sở đó bảo tồn tinh hoa văn hóa và bản sắc truyền thống.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục