Kế hoạch giải cứu Hy Lạp cần 8 quốc hội thành viên Eurozone bảo lãnh

Để thực hiện kế hoạch đạt thỏa thuận về gói hỗ trợ thứ ba, Hy Lạp cần tám Quốc hội thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bảo lãnh, trong đó Nghị viện Đức phải có ý kiến hai lần.
Kế hoạch giải cứu Hy Lạp cần 8 quốc hội thành viên Eurozone bảo lãnh ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trước cuộc họp ngày 12/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù Eurogroup và Hy Lạp đã đạt thỏa thuận về gói hỗ trợ thứ ba sau cuộc họp kéo dài 17 giờ ở Brussels rạng sáng ngày 13/7, nhưng để có thể thực hiện kế hoạch này, cần tám Quốc hội thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bảo lãnh, trong đó Nghị viện Đức phải có ý kiến hai lần.

Trong số 19 Nghị viện Eurozone, Nghị viện Bỉ, Luxembourg, Cyprus, Litva, Italy, Tây Ban Nha, Malta, Slovenia và Bồ Đào Nha không liên quan việc bỏ phiếu thông qua.

Trong khi đó, tại Hà Lan, Bộ trưởng Tài chính của nước này đồng thời cũng là Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem sẽ thông báo với Nghị viện về kế hoạch "giải cứu" Hy Lạp vào ngày 15/7, nhưng Nghị viện không cần bỏ phiếu.

Cũng như vậy, tại Ireland, khi chính phủ nước này không cam kết thảo luận trước Nghị viện một khi thỏa thuận cuối cùng về gói hỗ trợ tài chính mới đạt được giữa Eurogroup và Hy Lạp, thì việc thông báo trước Nghị viện chắc chắn sẽ được thực hiện vào tháng Chín.

Tại Đức, các hạ nghị sỹ sẽ có ý kiến vào sáng 17/7, sau đó Nghị viện sẽ phải bỏ phiếu lại để bảo lãnh cho thỏa thuận. Tuy nhiên, ngày cụ thể chưa được thông báo. Xét về mặt chính trị, vấn đề không đơn giản đối với liên minh Bảo thủ-Xã hội dân chủ do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu vì ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ, có rất nhiều ý kiến không đồng ý với việc "giải cứu" Hy Lạp.

Đối với Phần Lan, thỏa thuận với Hy Lạp phải được công bố cho liên minh cầm quyền, đặc biệt cho đảng chống châu Âu của Những người Phần Lan thực sự khi đảng này yêu cầu "Grexit" (đưa Hy Lạp ra khỏi Eurozone). Vì vậy, chính phủ sẽ phải trình bày quan điểm trong vài ngày tới trước một "Ủy ban lớn" gồm 25 nghị sỹ trong tổng số 200 nghị sỹ của Nghị viện.

Trước đó, ngày 11/7, Nghị viện Phần Lan đã bỏ phiếu thông qua nhiệm vụ đàm phán và sẽ không bỏ phiếu lại trong trường hợp thỏa thuận đưa ra không phù hợp với những yêu cầu của Nghị viện.

Riêng đối với Hy Lạp, nhân vật chính của chương trình cứu trợ mới, Quốc hội nước này sẽ phải thông qua từ nay đến ngày 15/7 dự thảo thỏa thuận được thông qua hôm 13/7 ở Brussels theo yêu cầu của phía châu Âu; đồng thời phải khởi động kế hoạch mang tính pháp lý về các nguyên tắc cải cách đã hứa. Lá phiếu của ít nhất một bộ phận bất đồng cũng khiến không đạt được sự nhất trí.

Tại Pháp, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 15/7. Phe phản đối sẽ tránh để có thể đạt được sự nhất trí.

Trong khi đó, Quốc hội Áo sẽ bỏ phiếu vào ngày 16 hoặc 17/7. Các nghị sỹ thuộc đảng Xanh là phe đối lập cũng sẽ phải đồng ý với gói hỗ trợ mới cho Hy Lạp.

Quốc hội Estonia sẽ nhóm họp vào ngày 17/7. Câu trả lời "đồng ý" gần như được đảm bảo vì liên minh cầm quyền chiếm đa số.

Theo Thủ tướng Latvia Laimdota Straujuma, rất khó khăn để thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận cho Hy Lạp và ngày bỏ phiếu chưa được ấn định.

Tại Slovakia, chính phủ sẽ yêu cầu Ủy ban các vấn đề châu Âu của Quốc hội thông qua nhưng điều này không bắt buộc.

Liên quan đến gói hỗ trợ tài chính "bắc cầu" ngắn hạn cho Athens trong lúc chờ đợi gói hỗ trợ tài chính thứ ba, tại cuộc họp diễn ra tối 13/7 ở Brussels (giờ Việt Nam), các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup) không đưa ra giải pháp cho gói hỗ trợ này.

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc cuộc họp Eurogroup, Chủ tịch nhóm là Jeroen Dijsselbloem nhấn mạnh đây là vấn đề rất phức tạp. Giải pháp của Eurogroup là để các nhóm kỹ thuật đánh giá xem làm cách nào để phát triển chương trình hỗ trợ "bắc cầu" từ nay tới khi giải ngân gói hỗ trợ thứ ba mà Eurogroup đã nhất trí dành cho Hy Lạp với những thỏa thuận ngặt nghèo.

Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho rằng sự phức tạp cho giải pháp liên quan đến các mặt tài chính, kỹ thuật, pháp lý và chính trị. Theo ông, Eurogroup vẫn chưa tìm ra lời giải cho vấn đề này. Ngay trong đêm 13/7 và sáng 14/7, nhóm đàm phán sẽ họp với các thứ trưởng tài chính và vấn đề này sẽ được các chủ nợ đề cập tại cuộc điện đàm vào sáng 15/7.

Việc cần gói hỗ trợ tài chính "bắc cầu" trở nên cấp thiết hơn cả việc soạn thảo gói hỗ trợ thứ ba, ước tính từ 82-86 tỷ euro cho ba năm. Đây sẽ là khoản hỗ trợ hoàn toàn mới và phải mất bốn tuần để thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục