Kế hoạch đưa các đại công ty Internet vào khuôn khổ của EU

Trước hạn chế của kho công cụ nhằm chế ngự hành vi lạm dụng của các tập đoàn GAFA (viết tắt tên của Google, Amazon, Facebook, Apple), Liên minh châu Âu đã quyết định hành động.
Kế hoạch đưa các đại công ty Internet vào khuôn khổ của EU ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo báo Pháp Le Figaro số ra mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị đưa ra nhiều bộ luật quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ thế giới.

Những dự thảo này, bao gồm Luật về dịch vụ kỹ thuật số và Luật về thị trường kỹ thuật số, sẽ được giới thiệu đầu tháng 12 tới.

Theo nhận xét của giới phân tích, khoản tiền phạt áp đặt lên các tập đoàn Internet thường được đưa ra quá muộn và không có nhiều tác dụng. Các nước thành viên có quy định khác nhau, còn các “ông lớn” công nghệ có thể dễ dàng khai thác sự khác biệt này.

Trước hạn chế của kho công cụ nhằm chế ngự hành vi lạm dụng của các tập đoàn GAFA (viết tắt tên của Google, Amazon, Facebook, Apple), Liên minh châu Âu đã quyết định hành động.

[Vẫn chưa có thỏa thuận đánh thuế các công ty công nghệ đa quốc gia]

Ngày 2/12 tới, Ủy ban châu Âu sẽ trình 3 dự luật mới liên quan, bao gồm Luật về dịch vụ kỹ thuật số, Luật về thị trường kỹ thuật số và kế hoạch hành động vì nền dân chủ châu Âu. Hiện tại, EU đang tiến hành lấy ý kiến về ba dự thảo.

Ý tưởng chủ đạo của ba văn kiện mới, có mối liên hệ mật thiết với nhau, rất rõ ràng là buộc Google, Amazon, Facebook, Apple phải thực hiện nhiều nghĩa vụ hơn và minh bạch hơn, từ đó quản lý chặt chẽ hơn.

Theo Ủy viên EU phụ trách kỹ thuật số Margrethe Vestager, điều này “sẽ tạo điều kiện để hình thành thế giới kỹ thuật số xứng đáng với sự tin cậy” của công chúng.

Trong khi đó, một văn kiện khác về Luật quản lý dữ liệu sẽ được đệ trình muộn hơn vào cuối tháng 12 và không liên quan trực tiếp đến GAFA, nhưng sẽ giúp củng cố lĩnh vực dữ liệu chiến lược của EU trên thị trường tương lai đang phát triển rất sôi động.

Luật về dịch vụ kỹ thuật số

Gói dự thảo này này có mục tiêu cập nhật chỉ thị của EU về thương mại điện tử ban hành năm 2000, vốn hoàn toàn không còn phù hợp với thị trường hiện nay.

Luật mới sẽ áp đặt thêm nhiều nghĩa vụ cho các sàn giao dịch, không còn được coi đơn thuần là nơi lưu trữ hình ảnh và văn bản giới thiệu.

Theo giới thiệu, Luật về dịch vụ kỹ thuật số (DSA) sẽ chú ý nhiều tới các nội dung bất hợp pháp như tình dục trẻ em, hàng giả, hàng nhái, chất gây nghiện, các sản phẩm, nội dung liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, toàn bộ các hàng cấm.

Thierry Breton, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối cho biết “tất cả những gì bất hợp pháp trên thị trường thông thường (offline) cũng sẽ bất hợp pháp trên thị trường trên mạng (online).”

Các sàn giao dịch sẽ có nghĩa vụ rút các sản phẩm vi phạm nếu không sẽ bị trừng phạt trong trường hợp vi phạm lặp đi lặp lại. Các biện pháp trừng phạt sẽ do cơ quan chức năng của từng nước thực hiện.

Tại Pháp, Hội đồng cấp cao về nghe nhìn (CSA), Ủy ban quốc gia về tin học và quyền tự do cá nhân (Cnil) và cơ quan quản lý thị trường sẽ phụ trách vấn đề này.

Đối với nội dung, sản phẩm bất hợp pháp, các nền tảng điện tử sẽ phải làm việc chặt chẽ với nhà chức trách, giúp đỡ họ xác định tác giả đăng tải, thậm chí định vị những đối tượng này.

“Nếu một ngân hàng phát hiện ra các vụ chuyển tiền đáng nghi, họ có nghĩa vụ phải tố cáo cho người có thẩm quyền,” ông Thierry Breton nói với tổ chức nghiên cứu Toute l’Europe.

Ngoài ra, luật DSA cũng đòi hỏi thiết lập sự minh bạch liên quan đến thuật toán.

Bà Margrethe Vestager cho biết, “các nền tảng điện tử sẽ phải giải thích cho người sử dụng là tại sao họ khuyên dùng sản phẩm nào, nội dung nào, tại sao lại che đi sản phẩm khác.”

Những thuật toán này ảnh hưởng đến quan điểm nhưng nó không được phép là những quyết định cuối cùng. Tương tự, các quảng cáo trên mạng cũng phải minh bạch.

Bà lưu ý: “Chúng ta phải được biết ai đã trả tiền cho những quảng cáo này, và tại sao chúng ta được các quảng cáo đó hướng tới.”

Mặt khác, nhà quản lý và nghiên cứu cũng sẽ không còn phải băn khoăn khi họ muốn tìm hiểu về hoạt động của các thuật toán, về các công cụ mà mạng xã hội xử lý các báo cáo vi phạm.

Công dân châu Âu sẽ có thêm quyền mới, đó là các nền tảng giao dịch sẽ phải thông báo cho người sử dụng biết khi nào một trong những nội dung của họ bị xóa và cho người sử dụng khả năng phản đối quyết định đưa ra.

Luật về thị trường kỹ thuật số

Luật về thị trường kỹ thuật số (DMA) sẽ bổ sung cho DSA, tăng cường công cụ chống độc quyền của Liên minh châu Âu, cho phép cơ quan có thẩm quyền hành động trước khi nguy cơ xảy ra.

Cụ thể, theo giải thích của ông Thierry Breton, DSA sẽ xác định xem các sàn giao dịch có lợi dụng quy mô và sức mạnh của mình để ngăn chặn các nhà cung cấp mới tham gia thị trường, hoặc buộc các nhà cung cấp dịch vụ mới phải sử dụng dịch vụ của họ hay không.

Đối tượng chính của luật là các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, hệ điều hành tin học, dịch vụ lưu trữ đám mây và các sàn giao dịch điện tử, kho ứng dụng và mạng xã hội.

Không nêu đích danh, song rõ ràng Ủy ban châu Âu chủ yếu nhằm vào Google, Amazon, Apple, Facebook, đồng thời để ngỏ khả năng hành động khi có thêm những “gã khổng lồ” kỹ thuật số mới nổi lên.

EU cũng muốn đề phòng trường hợp trong tương lai, các tập đoàn này trở nên vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

DMA sẽ liệt kê danh sách các hành vi, thái độ bị cấm để những “người gác cổng” dễ hành động. Trong số đó có hành vi thiết lập dịch vụ gây hại cho đối thủ cạnh tranh.

Về vấn đề này, người ta có thể nghĩ ngay đến việc Apple buộc người dùng phải sử dụng kho ứng dụng AppleStore hay Google luôn luôn hướng người dùng tới công cụ Google Flight khi tìm kiếm vé máy bay.

Một hành vi khác cũng sẽ bị cấm đó là lợi dụng dữ liệu từ doanh nghiệp sử dụng nền tảng điện tử để giành lợi thế trong cạnh tranh. Hiện nay, EU đang tiến hành một cuộc điều về Amazon liên quan đến thủ đoạn này.

Ngoài các biện pháp cấm, các nền tảng trực tuyến cũng sẽ phải tuân thủ một số nghĩa vụ, trong đó có quy định phải cho phép người dùng chuyển từ dịch vụ này sang dịch vụ khác.

Chẳng hạn, người dùng Gmail muốn đổi sang một tài khoản thư tín khác sẽ phải dễ dàng chuyển danh mục các địa chỉ và tài liệu lưu trữ của họ đi theo.

Nội dung quan trọng thứ hai của DSA là nhằm đồng bộ hóa quy định của các nước thành viên về chống độc quyền, tránh tình trạng quản lý rải rác, không nhất quán giữa 27 nước châu Âu. Sự khác biệt trong luật pháp của các nước hiện nay chỉ có lợi cho các ông lớn GAFA.

Theo bà Vestager, DMA “sẽ tạo ra cho chúng ta hàng loạt công cụ và quy định đồng bộ, cho phép chúng ta khởi động các cuộc điều tra về những vấn đề có tính chất cơ bản của thị trường kỹ thuật số, và trong trường hợp cần thiết, có thể đưa ra biện pháp trừng phạt” tương xứng.

Ủy viên châu Âu Thierry Breton đã nêu khả năng phải chia tách các đại công ty, nhưng bà Margrethe Vestager không muốn đi xa đến mức này.

Kế hoạch hành động vì nền dân chủ châu Âu

Khởi xướng bởi Ủy viên châu Âu phụ trách về các giá trị dân chủ và minh bạch Vera Jourova, kế hoạch hành động vì nền dân chủ châu Âu sẽ được trình lên Nghị viện ngày 2/12.

Kế hoạch hành động vì nền dân chủ châu Âu (EDAP) có mục tiêu bảo vệ công dân châu Âu chống lại sự can thiệp từ nước ngoài trong các giai doạn bầu cử, chống thông tin giả đồng thời củng cố chủ nghĩa đa nguyên trong thông tin và bảo vệ tự do của các phương tiện thông tin đại chúng.

EDAP sẽ hoàn thiện thêm các mục tiêu mà DSA đưa ra thông qua nhiều công cụ mới, chẳng hạn như thiết lập chính sách minh bạch cho các xuất bản phẩm trên mạng.

Kế hoạch đưa các đại công ty Internet vào khuôn khổ của EU ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: marketingweek.com)

Ủy ban châu Âu cũng muốn giám sát thêm nỗ lực của các mạng xã hội trong cuộc chiến chống lại tin giả. Trước đây, nhiều nền tảng điện tử đã tham gia vào một bộ quy tắc hành xử trên mạng, song điều này cần phải cải thiện thêm.

Luật quản lý dữ liệu

Luật quản lý dữ liệu (DGA) là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho chính sách mới của Liên minh châu Âu về dữ liệu chiến lược, chẳng hạn như dữ liệu liên quan đến y tế-sức khỏe, công nghiệp, môi trường, giao thông, năng lượng hoặc nông nghiệp.

Mục tiêu là làm thế nào để nguồn tài sản quý giá trong thời đại Internet - dữ liệu - trước hết phục vụ cho lợi ích của châu Âu.

Thông qua DGA, EU muốn xây dựng các đối tượng trung gian lưu trữ, giao dịch dữ liệu có độ tin cậy cao mà các cơ quan công ích hoặc tư nhân có thể ủy thác quản lý dữ liệu của họ.

Các dịch vụ trung gian này sẽ chỉ có chức năng lưu giữ mà không tham gia khai thác phục vụ cho lợi ích của họ. Liệu các dịch vụ này bắt buộc phải thuộc về châu Âu ? Hay dữ liệu sẽ phải lưu trữ trên lãnh thổ châu Âu? Đến nay vẫn chưa có quyết định dứt khoát trả lời hai câu hỏi này.

Tuy vậy, mục tiêu rõ ràng của DGA là khuyến khích công dân, cơ quan chính quyền và doanh nghiệp chia sẻ một số dữ liệu để biến thành tài sản công.

Chẳng hạn, công dân châu Âu mắc bệnh hiếm gặp có thể cung cấp dữ liệu về sức khỏe của họ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Sự trở lại của thuế đánh vào các tập đoàn đa quốc gia kỹ thuật số

Từ nhiều năm nay, Pháp thúc đẩy mạnh mẽ các đối tác châu Âu thông qua một khoản thuế đánh vào các tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ như GAFA.

Dự thảo luật đã được trình lên các cơ quan liên quan tại Brussels từ năm 2018, nhưng tạm thời treo lại để tạo điều kiện cho cuộc đàm phán giữa 135 nước dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhưng bị Mỹ tẩy chay và gây khó dễ.

Căn cứ vào kết quả của tiến trình này, dù thành công hay thất bại, nếu ứng cử viên Tổng thống Joe Biden chính thức bước vào Nhà trắng, Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục xem xét hồ sơ vào đầu năm 2021. Hiện nay, cả Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu đều có thái độ rất kiên quyết.

Giữa 27 nước thành viên EU hiện đã có sự đồng thuận lớn hơn về nhu cầu phải đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số lớn, trong đó một số nước đã thông qua luật thuế quốc gia riêng.

Đức hiện muốn để mở cơ hội cho nỗ lực quốc tế, nhưng Hà Lan và Ireland, hai “người bạn” của Apple, không còn phản đối dự thảo.

Phần việc còn lại là đi vào các chi tiết cụ thể và phân chia thu nhập từ khoản thuế thu được, có khả năng sẽ có hiệu lực từ năm 2023.

Dự kiến nguồn thu sẽ đóng góp để hoàn trả một phần chương trình kích thích kinh tế hậu COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục