Kế hoạch di chuyển thủ đô của Indonesia và những cơ hội phát triển

Chi phí ước tính để di dời thủ đô tới địa điểm cách Jakarta hơn 1.400 km là khoảng 33 tỷ USD, tương đương khoảng 18% ngân sách nhà nước Indonesia.
Một góc Jakarta. (Nguồn: The Jakarta Post)

Trang mạng The Conversation ngày 30/8 đăng tải bài viết “Kế hoạch di chuyển thủ đô của Indonesia và những cơ hội phát triển," trong đó đưa ra các nhận định về cơ hội phát triển của Indonesia sau khi nước này quyết định di chuyển thủ đô đến địa điểm mới.

Nội dung bài viết cụ thể như sau:

Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo (Jokowi), người từ lâu đã được biết đến với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên (2014-2019), hiện nay đang bắt tay vào một dự án vô cùng lớn xuất phát từ ý tưởng di chuyển thủ đô Jakarta đến một nơi hoàn toàn mới tại Tây Kalimantan trên đảo Borneo.

Kế hoạch nhằm tạo ra sự phát triển đồng đều hơn

Chi phí ước tính để di dời thủ đô tới địa điểm cách Jakarta hơn 1.400 km là khoảng 33 tỷ USD, tương đương khoảng 18% ngân sách nhà nước Indonesia (178 tỷ USD).

Theo Tổng thống Jokowi, việc di dời thủ đô ra khỏi Jakarta đến một nơi khác là việc làm cấp thiết của Indonesia hiện nay, vì Jakarta đang bị ô nhiễm nặng và đang có nguy cơ chìm dần so với độ cao vốn có của nó, đe dọa đến vấn đề an toàn của người dân và ảnh hưởng đến các công trình xây dựng cũng như quá trình phát triển của thành phố này.

Hiện nay kế hoạch sơ bộ về việc di dời thủ đô Jakarta đã được Tổng thống Jokowi công bố, nhưng theo giới quan sát, ô nhiễm, sụt lút không phải là nguyên nhân chính khiến ông Jokowi thúc đẩy dự án táo bạo này.

Vấn đề cốt lõi ở đây là ông Jokowi đang thúc đẩy tham vọng cải cách các hoạt động kinh tế của đất nước bằng việc phát triển đồng đều giữa các khu vực, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ tại Indonesia hiện nay.

Là một quốc đảo, Indonesia sở hữu hơn 17.000 hòn đảo, song các hoạt động kinh tế của Indonesia được triển khai không đều trên các đảo. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vì vậy cũng không được phân bổ đồng đều.

Đảo Java, nơi thủ đô Jakarta đang tọa lạc, tập trung các hoạt động kinh tế của đất nước. Đây là nơi sinh sống của gần 60% dân số Indonesia và đóng góp khoảng 58% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong khi đó đảo Sumatra, một trong những đảo lớn của Indonesia hiện chiếm khoảng 19% tổng dân số và đóng góp khoảng 23% GDP cho nước này. Trong khi đó, đảo Kalimantan chiếm 5,8% dân số và đóng góp khoảng 8,2% GDP cho Indonesia. Các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng mà ông Jokowi hướng đến đến để thu hút tham gia các hoạt động kinh tế phát triển đất nước, nhất là trong các ngành công nghiệp mới nổi, đang chủ yếu hoạt động tại khu vực đảo Java.

Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Indonesia đã đầu tư khoảng 93% vốn vào Java và chỉ có xấp xỉ 1% vốn đầu tư tại Kalimantan.

Với các hoạt động kinh tế sôi động đang diễn ra trên đảo Java và Sumatra, không có gì ngạc nhiên khi Indonesia chú trọng thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, các công trình xây dựng mang biểu tượng để phục vụ nhu cầu đi lại, kết nối giao thương cho hàng chục triệu người dân tại khu vực này.

Theo thông báo của Chính phủ Indonesia, trong Dự án Chiến lược Quốc gia của cả nước, chỉ tính riêng Java và Sumatra, Chính phủ đã và đang đầu tư 154 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm. Trong khi đó, chỉ có 79 dự án dành cho tất cả phần lãnh thổ còn lại của Indonesia.

Và Kalimantan gần như không có một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm nào cho đến khi ông Jokowi đắc cử Tổng thống Indonesia vào năm 2014. Sau khi ông Jokowi trở thành Tổng thống Indonesia, miền Đông Kalimantan được đề xuất triển khai dự án xây dựng đường sắt và tuyến đường bộ thu phí nối liền thành phố Balikpapan và Samarinda. Đây được coi là dự án xây dựng hạ tầng lớn nhất từ trước tới nay tại Kalimantan.

[Thủ đô mới sẽ mở đường cho phát triển thành phố xanh ở Indonesia]

Theo các chuyên gia, để xây dựng một thủ đô mới, Chính phủ phải nâng cấp cơ sở hạ tầng tại thành phố hiện có và lên kế hoạch cho các dự án mới trong khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng phải xác định được các nhóm ngành kinh tế cốt lõi để đạt được mục tiêu tăng trưởng cũng như kết nối các nguồn vốn của Indonesia với nền kinh tế toàn cầu.

Với kế hoạch di dời thủ đô, Tổng thống Jokowi dường như đang kỳ vọng rằng ý tưởng di dời này sẽ mang lại sự ủng hộ lớn từ các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài để làm giàu cho một đơn vị hành chính bên ngoài khu vực Java và Sumatra.

Kế hoạch này hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn bằng việc di chuyển trụ sở làm việc của các cơ quan chính phủ đến thủ đô mới bắt đầu thực hiện vào năm 2024. Theo xu hướng đó, các phái đoàn ngoại giao quốc tế tại Indonesia và Ban thư ký ASEAN, có trụ sở tại Jakarta, có lẽ cũng sẽ sớm di dời.

Thủ đô mới của “quốc gia vạn đảo” sẽ được xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon và sẽ trở thành “cứ địa” cho các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo, bên cạnh trụ sở các cơ quan chính phủ. Tổng thống Indonesia bày tỏ mong muốn thành phố thủ đô hiện vẫn chưa được đặt tên này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ và lĩnh vực sản xuất số hóa.

Thủ đô mới đặt tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo sẽ sở hữu một hệ thống đô thị hiệu quả và được điều khiển bằng công nghệ nhằm cung cấp các dịch vụ công cộng. Nơi đây sẽ có nhiều cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới, bệnh viện hiện đại, công viên và hệ thống giao thông xanh bằng xe điện. Trong khoảng 180.000 ha đất ở tỉnh Đông Kalimantan được quy hoạch cho thủ đô mới, trung tâm hành chính sẽ chỉ cần khoảng 10.000ha và khoảng 30.000ha sẽ được Nhà nước bán trực tiếp cho các cá nhân và công ty với mức giá thấp hơn ở Jakarta.

... song đi kèm những thách thức

Các doanh nghiệp Indonesia, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước (SOE), có thể sẽ là những đối tượng đầu tiên khai phá Đông Kalimantan vào năm 2020. Họ đang xây dựng và quản lý 80% các dự án cơ sở hạ tầng của Indonesia. Việc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước là một cách thuận tiện để xúc tiến các dự án mới bởi Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành những doanh nghiệp đó.

Việc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước có thể giúp Chính phủ Indonesia bỏ qua những thủ tục rờm rà trong việc thiết kế đề xuất dự án, quy trình đấu thầu và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, việc chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhà nước để đặt nền móng cho một thủ đô mới ở một khu vực tương đối xa như Đông Kalimantan sẽ có những hạn chế. Các nguồn vốn đầu tư tư nhân rất cần thiết trong mọi giai đoạn phát triển, nó sẽ tạo ra không chỉ sự đa dạng về nguồn vốn đầu tư mà sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu, từ đó tăng chất lượng các dự án để nhà nước và người dân đều được hưởng lợi.

Bên cạnh vấn đề trên, giới quan sát cũng đang đặt ra một câu hỏi lớn đối với Chính phủ Indonesia rằng các dự án liên quan đến sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản (PQI) sẽ được kết nối và triển khai như thế nào trong kế hoạch xây dựng thủ đô mới của chính quyền Tổng thống Jokowi?

Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á từ lâu đã cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật rất cần thiết tại Indonesia, trong khi Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo là một đối tượng mới. Indonesia đã mời gọi Trung Quốc vào đầu tư tại các dự án khu vực liền kề Bắc Kalimantan, trong đó nổi trội là các dự án xây dựng thủy điện trị giá 17,8 tỷ USD.

Cho đến nay, người dân Indonesia vẫn đang rất bức xúc với tiến độ và sự minh bạch trong việc thực hiện dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bangdung tại Tây Java trị giá 6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư. Rất nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án này như vấn đề người lao động Trung Quốc làm việc tại dự án, vấn đề quản lý mặt bằng, đền bù đất đai... được cho là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phản đối của người dân, làm tiến độ của dự án gần như không có tiến triển sau khi khởi công được một thời gian ngắn.

Cũng theo các chuyên gia, để thu hút đầu tư phục vụ cho sự công cuộc phát triển của thủ đô mới, Indonesia cần phải giải quyết tốt vấn đề về khả năng thanh khoản của các dự án cơ sở xây dựng hạ tầng vì tại Indonesia hiện nay, các ngân hàng thường xuyên than phiền về những hồ sơ vay vốn ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro hơn tại các quốc gia khác. Việc phát triển một hệ thống các dự án ngân hàng là cơ hội để tham gia vào các sáng kiến cơ sở hạ tầng nêu trên. Nếu các dự án được thiết kế và vận hành tốt, chúng sẽ đem lại nguồn lợi nhuận to lớn, đồng thời là chìa khóa tác động đến môi trường và xã hội đối với thủ đô mới.

Tóm lại, việc di chuyển thủ đô đến Đông Kalimantan sẽ tạo ra các cơ hội cho sự phát triển đồng đều tại các khu vực địa lý khác nhau của Indonesia. Tổng thống Jokowi đang tạo ra cơ hội để Indonesia biến khu vực ngoại vi Jakarta thành một trung tâm kinh tế năng động của Indonesia trong tương lai.

Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc phát triển một thủ đô mới đủ để tạo ra nhiều cơ hội phát triển khác cũng như kêu gọi các quốc gia láng giềng của Indonesia tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tham gia hơn nữa vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đầy hứa hẹn của Indonesia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục