Chính phủ Pháp đang chịu sức ép về việc đánh thuế người giàu nhằm giảm thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của nước này.
Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron cho biết họ thích ý tưởng trên nhưng chỉ khi việc áp thuế được thực hiện ở cấp độ quốc tế. Đã có một số sáng kiến trong những năm gần đây, nhưng tiến độ vẫn còn chậm.
Vào cuối năm 2021, hơn 140 quốc gia đã nhất trí áp thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia theo đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhằm đối phó với nỗ lực chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất thấp của các doanh nghiệp. OECD ước tính cải cách thuế này sẽ mang lại thêm 200 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, sau hai năm, tiến triển vẫn còn hạn chế.
Mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% là một trong những điểm chính trong chương trình cải cách, đã được một số quốc gia thực hiện từ ngày 1/1, trong đó có cả Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, những nước khác như Mỹ vẫn chưa hành động. Trong bối cảnh nước Mỹ “bận rộn” với cuộc bầu cử tổng thống, các nhà sát cho rằng sẽ có ít tiến triển về mặt lập pháp.
Trong khi đó, các quốc gia vẫn chưa đạt được thỏa thuận về các vấn đề then chốt khác, nhằm phân phối công bằng hơn nguồn thu thuế của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ.
Trước sự hoài nghi ngày càng tăng, Bộ trưởng Tài chính Italy, Giancarlo Giorgetti, gần đây lo ngại việc đánh thuế công bằng đối với các công ty đa quốc gia ở cấp độ toàn cầu sẽ không thể hoàn thành.
Brazil, quốc gia giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm nay, đã kêu gọi các quốc gia thành viên, vốn đóng góp 80% kinh tế thế giới, thông qua lập trường chung về việc ngăn chặn các tỷ phú trốn thuế vào tháng Bảy.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã phát biểu công khai ủng hộ mức thuế tối thiểu đối với người giàu. Song, vẫn chưa có thông tin chi tiết về mức thuế, khi các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và không rõ có bao nhiêu quốc gia G20 sẽ ủng hộ đề xuất này.
Nhà kinh tế người Pháp Gabriel Zucman lưu ý việc những tỷ phú đóng rất ít thuế ngày càng trở nên rõ ràng trong những năm qua. Ông Zucman ước tính có khoảng 3.000 tỷ phú trên toàn cầu và mức thuế tài sản 2% sẽ đem lại nguồn thu thuế bổ sung khoảng 250 tỷ USD trên toàn thế giới.
Một dự án thậm chí còn tham vọng hơn của Liên hợp quốc là hài hòa các quy định trên toàn cầu để bịt các lỗ hổng cho phép người giàu trốn nộp thuế. Đề xuất của Nigeria về việc tạo ra một hiệp định thuế của Liên hợp quốc đã giành được sự ủng hộ tại Liên hợp quốc vào tháng 11/2023.
Những người ủng hộ cho rằng Liên hợp quốc là một diễn đàn tốt hơn để thúc đẩy cải cách về thuế.
Theo nhà kinh tế người Pháp Lucas Chancel, việc áp thuế liên quan đến gần như tất cả các quốc gia trên toàn cầu, trong khi quy trình của OECD thiếu tính bao quát, minh bạch.
Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức bao gồm sự khác biệt lớn về thuế suất giữa các quốc gia, trong khi Mỹ và EU tỏ ra hoài nghi về sáng kiến trên./.