Chương trình hơn 140 tỷ USD mang tên “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức tại nhiều nơi vì các vấn đề chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ và rối loạn trong nước.
Đây là chương trình tìm cách nối kết hơn 20 nước dọc theo "Con đường Tơ lụa" thời xưa dựa trên một kế hoạch quy mô nhắm tới việc nới rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bằng cách thiết lập hai tuyến ngoại thương lớn.
Một tuyến trên bộ trải dài từ Trung Quốc xuyên qua Trung Á để tới châu Âu, đi qua nhiều quốc gia đang mong mỏi có thêm nhiều lựa chọn thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một tuyến khác trên biển để nối các hải cảng của Trung Quốc với những trung tâm thương mại ven biển ở châu Phi và Trung Đông.
Đối với nhiều nước dọc theo con đường này, những tham vọng của Trung Quốc có thể mang lại một sức đẩy kinh tế mà những nước này đang trông đợi.
Tuy nhiên, dự án có nhiều tham vọng và có thể tạo ra những ảnh hưởng to lớn này cũng sẽ dễ bị vướng mắc vào những vụ tranh chấp ở nước ngoài mà Trung Quốc lâu nay vẫn thường ra sức né tránh.
Những vụ tranh chấp đó bao gồm vụ khủng hoảng Ukraine, tranh chấp biển đảo dính líu tới 6 bên ở Biển Đông, tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ, tình cảm bài xích Trung Quốc ở Sri Lanka, tình hình bất ổn tại những khu vực ở Myanmar giáp ranh với Trung Quốc, những hoạt động khủng bố ở Pakistan và những vụ rối loạn trong tỉnh Tân Cương ở miền Tây Trung Quốc.
Ông Diêu Bồi Sinh, người từng giữ chức Đại sứ Trung Quốc tại các nước Kyrgyzstan, Latvia, Kazakhstan và Ukraine, cho rằng: “Nếu tranh chấp lãnh thổ không được giải quyết, nó sẽ gây thiệt hại cho chương trình ‘Một vành đai, một con đường’. Nếu hai nước láng giềng có xung đột với nhau, sẽ không có tiến bộ”./.