Kế hoạch chống khủng bố của EU bộc lộ nhiều hạn chế về tính khả thi

Chỉ có 3 trong số 88 giải pháp đó được công bố cho công chúng đánh giá và chưa đến 1/4 được đưa vào các báo cáo đánh giá của Ủy ban châu Âu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kế hoạch chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) trên thực tế đang bộc lộ nhiều hạn chế về tính khả thi và hiệu quả.

Chuyên gia Nikolaj Nielsen đã đưa ra nhận định trên trong bài phân tích đăng tải trên mạng Euobserver.com.

Sau thời điểm thế giới liên tiếp chứng kiến các vụ khủng bố đẫm máu, như năm 2001 (vụ tấn công 11/9 ở Mỹ), năm 2004 (vụ đánh bom xe lửa 11/3 ở Tây Ban Nha) và năm 2005 (loạt đánh bom 7/7 ở Anh), các nhà lãnh đạo EU đã công bố chiến lược chống khủng bố bao gồm 88 giải pháp, trong đó có tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài, ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính và tuyển nhân lực của các tổ chức khủng bố, ngăn chặn “hình thành các thế hệ khủng bố mới.”

Tuy nhiên, chỉ có 3 trong số 88 giải pháp đó được công bố cho công chúng đánh giá và chưa đến 1/4 được đưa vào các báo cáo đánh giá của Ủy ban châu Âu.

Cho đến nay, tính hiệu quả của những giải pháp này vẫn là câu hỏi lớn bởi giải pháp về việc ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố được đưa ra lần đầu tiên vào giữa năm 2004, sau đó tiếp tục được đưa ra trong các năm 2005, 2008 và đầu năm 2016.

Trong khi đó, các vụ tấn công khủng bố vẫn xảy ra ở Pháp, Bỉ, Đức trong 2 năm qua mà không thể ngăn chặn, mặc dù lực lượng chức năng các nước đã đưa nhiều nghi phạm vào danh sách giám sát chặt chẽ.

Đầu năm 2017, một báo cáo nội bộ dài 82 trang của Ủy ban điều tra thuộc Nghị viện Bỉ bị rò rỉ, trong đó có phân tích về thất bại của các cơ quan chức năng nước này khi để xảy ra vụ khủng bố ngày 22/3 tại Brussels.

Báo cáo nêu rõ rằng cảnh sát Bỉ đã không thông báo cho cơ quan chống khủng bố tài chính về các giao dịch chuyển tiền đáng ngờ của các đối tượng đứng đằng sau vụ khủng bố ở Paris và Brussels.

Một báo cáo rò rỉ khác của lực lượng an ninh EU cũng nhấn mạnh tới sự khác biệt về năng lực của cơ quan an ninh các nước EU trong việc theo dõi sự di chuyển của những nghi phạm khủng bố.

Một vấn đề khác từng được đưa ra hàng thập kỷ trước là việc thiếu cơ chế chia sẻ thông tin tình báo, nhất là giữa các cơ quan tình báo và an ninh.

Malta, nước hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên EU, hồi tuần trước đã khẳng định, hệ thống dữ liệu thông tin của Europol đã tăng lên 34% chỉ tính từ 2016 đến nay.

Tuy nhiên, chất lượng của thông tin và năng lực của các quốc gia thành viên trong việc phân tích dữ liệu này không được đề cập tới.

Gần đây, EU đã thông qua luật hình sự hóa tất cả các hoạt động khủng bố, luật kiểm soát súng ngắn và luật về chia sẻ dữ liệu hành khách đi máy bay (EU PNR).

EU cũng đã triển khai Lực lượng biên phòng và tuần tra bờ biển, đồng thời thành lập trung tâm chống khủng bố trực thuộc Europol.

Ủy ban châu Âu đã thông qua Chiến lược An ninh liên minh năm 2016. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 6 nước áp dụng luật này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục