Kế hoạch chia tách - kỳ vọng cho tương lai của hãng xe Ford

Ford quyết định tách rời mảng xe điện EV (thành thương hiệu Ford Model e) khỏi mảng xe chạy bằng xăng truyền thống (thuộc thương hiệu Ford Blue), nhưng không chia tách mảng xe điện thành công ty mới.
Bên trong một nhà máy của Ford. (Nguồn: freep.com)

Trong chiến lược lớn nhất mà Ford từng đưa ra suốt một thời gian dài vừa qua, nhà sản xuất ôtô của Mỹ này hồi tuần trước đã quyết định tách rời mảng xe điện EV (thành thương hiệu Ford Model e) khỏi mảng xe chạy bằng xăng truyền thống (thuộc thương hiệu Ford Blue), nhưng không chia tách mảng xe điện thành một công ty mới.

Theo mô hình vừa công bố, Ford giờ đây sẽ gồm hai nhóm hoạt động riêng biệt. Trong số đó nhóm Ford Model e tập trung hoàn toàn vào các dự án ôtô điện, song song phát triển giải pháp kết nối dành cho phương tiện bốn bánh để ứng dụng cho toàn bộ các sản phẩm Ford.

Nhiệm vụ của Model e là giúp Ford thích ứng và cạnh tranh tốt hơn với đà chuyển động cực nhanh của các thương hiệu ôtô thuần điện, vốn hàm chứa nhiều công nghệ cao.

[Hãng sản xuất ôtô Ford tăng đầu tư cho xe điện lên 50 tỷ USD]

Về phần mình, Ford Blue tiếp tục đảm nhận các loại xe sử dụng động cơ đốt trong, nhưng với mục tiêu chính trước mắt là cải thiện chất lượng, cắt giảm tối đa chi phí sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đồng thời tiết giảm chi phí vận hành để tạo lợi nhuận.

Ford Blue cũng sẽ là nhóm phụ trách hoạt động chế tạo, sản xuất cơ khí đối với toàn bộ các sản phẩm Ford.

Thông điệp từ Ford là mảng EV, dù đạt doanh số khá ấn tượng với mẫu xe Mustang Mach-E, nhưng vẫn chưa sẵn sàng cho thời kỳ hoàng kim.

Thay vào đó, Ford lựa chọn con đường an toàn hơn là vẫn giữa mảng xe điện đầy hứa hẹn này gắn liền với “cỗ máy” tạo lợi nhuận là mảng xe chạy bằng xăng thêm một thời gian nữa, nhưng hạch toán kết quả kinh doanh của hai mảng này riêng biệt bắt đầu từ năm sau, để giới đầu tư có thể bắt đầu đánh giá sự tăng trưởng của mảng xe điện và định giá nó một cách độc lập.

Các lãnh đạo của Ford đã nhấn mạnh những lợi ích về cả hoạt động vận hành và tài chính của việc giữ hai mảng trên gắn liền với nhau.

Giám đốc điều hành (CEO) của Ford Jim Farley nhấn mạnh vào khả năng tổng thể của công ty trong việc tự tài trợ cho chiến lược phát triển của mình và không phải tiếp cận các thị trường vốn, trong khi các lãnh đạo khác giải thích cho lựa chọn trên bằng kế hoạch chia sẻ chi phí giữa hai mảng, cắt giảm chi phí trong mảng xe truyền thống, và để hai mảng này cùng nhau thúc đẩy lợi nhuận nhanh hơn khả năng của từng mảng.

Trọng tâm của kế hoạch này là đến năm 2026 cắt giảm lên đến 3 tỷ USD chi phí hàng năm, với một trong những mục tiêu chính là ngân sách quảng cáo của Ford, được Statista ước tính ở mức 1,8 tỷ USD trong năm 2020 chỉ riêng tại Mỹ, và 4 tỷ USD mỗi năm chi phí bảo hành, khoản mà Chủ tịch thương hiệu Ford Blue Kumar Galhotra cho biết sẽ cắt giảm bằng cách nâng cao chất lượng xe.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng mới của Ford có thể đến từ các mẫu xe điện mới, đặc biệt là mẫu xe bán tải F-150 Lightning mà Ford đã nhận được 250.000 đơn đặt hàng trước và đang nỗ lực gia tăng sản lượng trước khi giao xe trong năm nay.

Ford dự đoán đến năm 2026 xe điện sẽ chiếm 1/3 doanh số của hãng, tức khoảng 2 triệu xe. Năm 2021, Ford bán được khoảng 726.000 chiếc F-150 tại Mỹ.

Thế nhưng vẫn có lý do để chờ đợi một sự chia tách thực sự của mảng xe điện trong thời gian tới, mà theo dự đoán của ông Dan Ives, chuyên gia phân tích của Wedbush, là vào khoảng năm 2024.

Ford tách rời mảng xe điện EV khỏi mảng xe chạy bằng xăng truyền thống. (Nguồn: motortrend.com)

Theo ông Ives, trong 12 đến 18 tháng tới, với sự thành công của mẫu xe điện F150, các nhà đầu tư sẽ muốn được nhìn thấy Ford Model e huy động vốn và mở rộng hoạt động.

Ông cho rằng khi Ford Model e bắt đầu công bố doanh số để giới đầu tư có thể nhìn thấy nhu cầu đối với mảng xe điện này và định giá nó, đây là bước đầu tiên để dẫn đến việc chia tách mảng xe điện thành một công ty mới.

Bên cạnh đó, vấn đề tiềm ẩn mà giới lãnh đạo của Ford sẽ phải đối mặt lại vượt ra khỏi lĩnh vực ôtô.

Trong lĩnh vực năng lượng, nơi các mảng có lượng khí thải carbon cao đang bị đe dọa bởi các nguồn năng lượng tái tạo, các công ty đang chịu áp lực từ các nhà hoạt động môi trưởng để cân nhắc việc chia tách.

Tập đoàn dầu khí Shell đã đối mặt với một chiến dịch vận động vì môi trường, và CEO của tập đoàn này đã phản bác rằng các nhà đầu tư không hiểu được tầm quan trọng của mô hình tạo dòng tiền hiện tại đối với các kế hoạch đầu tư cho năng lượng tái tạo trong tương lai.

Và năm 2021 đã cho thấy đây là thời khắc đỉnh điểm trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp của nhiều công ty mang tính biểu tượng như GE và Johnson & Johnson.

Bà Emilie Feldman, Giáo sư về quản trị kinh doanh của trường The Wharton School thuộc đại học University of Pennsylvania, cho biết hiện tại, việc giữ hai mảng xe điện và xe chạy xăng hợp nhất với nhau vẫn có giá trị, dù là vì dòng tiền hay vì sự phụ thuộc lẫn nhau trong hoạt động vận hành, nhưng trong tương lai, “phép tính” này có thể thay đổi, có thể là khi công nghệ EV phát triển hơn nữa. Lịch sử có đầy những ví dụ cho việc khi giá trị của việc tách rời vượt qua giá trị của sự hợp nhất, sự chia tách sẽ xảy ra.

Bà Feldman cho rằng điều tương tự có thể diễn ra với những công ty vận hành song song các mảng năng lượng xanh và năng lượng “nâu” (tức là năng lượng hóa thạch) như Ford./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục