Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2018

Sẽ tập trung giám sát thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp không đảm bảo.
Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2018 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.

Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả việc quản lý an toàn thực phẩm; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017.

Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.

Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000...) nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phối hợp với các Hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; trọng điểm là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; phát triển mô hình "Mỗi làng một sản phẩm"...

[Đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trước và sau Tết Nguyên đán]

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn khỏi danh mục thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo hướng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng từng nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Tổ chức kiểm tra, phân loại, xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản theo quy định; tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, các cơ sở chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản.

Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục