Kẻ ăn mừng, người méo mặt vì sớm làm cha mẹ

Trong xã hội hiện đại, tuổi trung bình để lập gia đình ngày càng cao nhưng vẫn còn không ít người sớm làm bố mẹ khi tuổi đời còn trẻ.
Anh Trung, Thanh Liệt, Hà Nội tất tưởi tạt vào cửa hàng tạp hóa trên đường đi làm về để mua đồ chơi cho con trai, được người bán hàng tư vấn nhưng anh vẫn lúng túng chưa biết chọn loại nào. Lên chức bố ở tuổi 21, lứa tuổi mà nhiều người còn ngơ ngác trên giảng đường đại học, thành thử anh vẫn chưa quen với việc chăm con của một người bố.

Dù xã hội hiện đại, người ta có xu hướng ổn định công việc rồi mới lập gia đình và sinh con nhưng vẫn không ít người sớm lên chức bố mẹ, ông bà khi tuổi đời còn non trẻ.

Nghìn lẻ một lý do

Anh Trung kể rằng, ngày còn nhỏ, anh thường xuyên ốm yếu lại còn bị mắc bệnh quai bị. Nghe người ta nói con trai mắc phải bệnh này sẽ dễ bị vô sinh. Vì vậy, dẫu không chắc chắn nhưng cả nhà anh đã nghĩ tới tình huống xấu này.

Nghĩ như vậy nên anh Trung quyết định, anh sẽ chỉ lấy vợ nếu người yêu của anh có con với anh và anh đã làm điều đó khi còn học hệ trung cấp của Trường đại học Lương Thế Vinh.

“Khi người yêu em báo tin có thai, em chẳng những không lo lắng mà còn vô cùng sung sướng. Đám cưới diễn ra sau đó một tháng, cả nhà em thở phào nhẹ nhõm,” anh Trung vui sướng kể lại.

Chị Lan ở Diễn, Từ Liêm, Hà Nội làm mẹ khi mới hai mươi tuổi. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, không đỗ đại học, chị Lan đi phụ bán hàng cho người quen. Tại đó chị gặp và yêu một người hơn mình hai tuổi. Tình yêu chóng vánh đã đưa họ đến hôn nhân rồi sinh con sau đó một năm.

“Tôi nghĩ rằng, đằng nào cũng lấy nhau, cưới sớm, sinh con sớm thì cuộc sống càng sớm ổn định,” chị Lan nói.

Ngoài những người chủ động như anh Trung, chị Lan, nhiều trường hợp chỉ vì chót “nhỡ nhàng” mà đành kết hôn và sinh con sớm.

Hoàn cảnh của anh Tài, Lạc Long Quân, Hà Nội là một ví dụ. Anh Tài đã yêu khi còn là sinh viên, sau những lần "quá giới hạn," bạn gái anh mang bầu.

Anh Tài kể rằng, do anh chị thực sự yêu thương nhau và cũng không nỡ bỏ đi đứa con của mình nên cả hai đã quyết định giữ lại cái thai rồi làm đám cưới. Vậy là, anh làm bố vào lúc 22 tuổi khi chưa thực hiện xong giấc mộng đại học của mình.

“Làm chồng, làm bố lúc đó mình biết là sớm quá khi mà chiếc bằng đại học cũng chưa lấy được. Nhưng 'trót lỡ’ rồi thì biết sao được,” anh Tài tâm sự.

Kẻ khóc, người cười

Mặc dù làm cha mẹ khi tuổi đời còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng được sự giúp đỡ của người thân, vợ chồng chị Lan cũng được thuận buồm xuôi gió.

Cưới nhau, sinh con xong, anh mở quán trà đá để chị ngồi bán còn bản thân mình thì chạy xe ôm. Thu nhập không nhiều nhưng theo chị Lan thì thế cũng đủ để gia đình chị yên ấm và sinh hoạt được ở mức bình thường.

Tuy nhiên, trường hợp may mắn có được cuộc sống êm ấm như chị Lan không phải là con số nhiều. Đa số những người lập gia đình và sinh con sớm đều gặp những khó khăn trong cuộc sống.

Niềm vui đón được cả “trâu” lẫn “nghé” về nhà của anh Trung kéo dài cũng không được bao lâu.

Anh Trung kể rằng, sau khi em bé ra đời, chi tiêu trong gia đình tăng lên nhiều trong lúc đó, vợ anh ở nhà chăm con còn anh vừa học vừa đi làm thêm. Công việc giao hàng bánh kẹo cho các đại lý mỗi tháng anh chỉ kiếm được hai triệu, trừ chi phí xăng xe, còn lại cũng không được bao nhiêu..

Thời gian đầu, bố mẹ anh lo giúp những khoản chi phí cho đứa cháu đích tôn và sinh hoạt ăn uống của vợ chồng anh.

Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong gia đình đã dần xuất hiện. Vợ anh không có việc làm, suốt ngày ôm con ngồi đợi chồng về. Bữa nào anh về muộn là chị cằn nhằn, trách móc. Mỗi khi vợ chồng cãi nhau chị lại dọa anh bỏ về nhà mẹ đẻ.

Mẹ chồng thấy con dâu không giúp được gì cho con trai mình lại suốt ngày đay nghiến anh. Thương xót con trai đã khiến bà chuyển sang giận con dâu. Những lời trách móc nhau giữa mẹ và vợ anh ngày một nhiều hơn. Bao bọc con cháu hơn một năm, cuối cùng bố mẹ anh quyết định cắt khoản chi phí sinh hoạt của vợ chồng anh.

 “Vợ mình đã bướng lại không biết cách cư xử, bố mẹ mình thì nóng tính. Chuyển ra thuê nhà trọ thì không có tiền, sống chung lại quá phức tạp. Nhiều lúc mình cảm thấy mệt mỏi và bế tắc đến phát điên,” anh Trung trải lòng.

Bà Thành, mẹ anh Trung thì than vãn về con dâu và con trai mình kém trong việc tự lập và cả việc ứng xử ở gia đình: “Chúng nó chưa lớn hết đã làm bố làm mẹ, không biết lo liệu kinh tế và đến đối xử với cha mẹ cũng còn kém.”

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng, cho biết, về mặt sinh học, con người đến tuổi trưởng thành có làm cha mẹ nhưng để thành người vợ, người chồng, người con hay những người độc lập trong gia đình thì cần nhiều yếu tố như: sự trưởng thành về tâm lý, có nghề nghiệp và học được cách ứng xử với những người xung quanh.

Những người kết hôn và có con sớm thường bỏ qua giai đoạn này. Do vậy, mặc dù đã làm bố, mẹ nhưng tính cách họ vẫn như trẻ con, kinh tế cũng bị phụ thuộc vào gia đình dẫn đến phụ phải thuộc nhiều thứ khác.

Một số trường hợp, bạn gái lấy chồng có gia đình khá giả được như “chuột sa chĩnh gạo” nhưng sau một thời gian, gia đình nhận ra họ cũng chỉ là người ăn bám nên bắt đầu gò ép con vào trong khuôn phép. Phía người con, vì họ chưa ý thức được trách nhiệm làm vợ, làm mẹ của mình nên sẵn sàng phản ứng khiến cho cuộc sống khó hòa nhập. Trong trường hợp chồng cũng trẻ con thì mọi chuyện lại càng khó khăn hơn.

“Nhiều đôi vợ chồng ‘trẻ con’ ở với nhau chưa được ba năm đã phải chia tay vì bỗng dưng gánh trên vai trách nhiệm làm cha mẹ lớn quá sức chịu đựng của họ,” chuyên gia tâm lý khẳng định./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục