JPMorgan Chase lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế Mỹ

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase nhận định kinh tế Mỹ bị đe dọa khi khả năng Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt của Đức và kế hoạch tăng lãi suất mạnh của Fed có thể không hiệu quả để kiểm soát lạm phát.
Ông Jamine Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan Chase. (Nguồn: CNN)

Ngày 14/7, ngân hàng JPMorgan Chase thông báo lợi nhuận quý 2 của hãng đã giảm, đồng thời cho biết viễn cảnh kinh tế toàn cầu không mấy tích cực đã buộc doanh nghiệp này phải tăng quỹ dự phòng nhằm giải quyết các khoản nợ xấu tiềm tàng.

Cụ thể, lợi nhuận của JPMorgan Chase trong quý 2 đạt 8,6 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu tăng 1% lên 30,7 tỷ USD. Ngân hàng này đã lỗ 657 triệu USD khi xử lý nợ xấu trong cùng giai đoạn, tăng nhẹ so với quý 1.

Do triển vọng kinh tế không thuận lợi, ngân hàng quyết định bổ sung 428 triệu USD vào quỹ dự phòng tín dụng. Việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đã giúp thu nhập từ lãi vay của JPMorgan tăng lên. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải chi trả nhiều hơn cho tiền lương, mảng công nghệ và tiếp thị.

Cách đây một năm, lợi nhuận của JPMorgan Chase đã tăng thêm 3 tỷ USD nhờ việc giảm số tiền trong quỹ dự phòng. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon tin rằng ngay cả trong trường hợp kinh tế suy thoái, ngân hàng này sẽ cần mức dự phòng thấp hơn rất nhiều so với khoản tiền 15 tỷ USD được trích lập riêng vào đầu đại dịch COVID-19.

[JPMorgan Chase dự báo kinh tế Mỹ đứng trước rủi ro lớn vào cuối năm]

Các số liệu trên được công bố trong bối cảnh Bộ Lao động Mỹ tuần này thông báo giá bán buôn và tiêu dùng tăng vọt, khiến nhà đầu tư quan ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ vốn phụ thuộc vào tiêu dùng.

Tuy nhiên, Giám đốc tài chính của JPMorgan Chase, ông Jeremy Barnum khẳng định không có bằng chứng cho thấy tiêu dùng giảm đi vào thời điểm này. Theo số liệu về thẻ tín dụng của ngân hàng JPMorgan Chase, người dân đang chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và xăng, nhưng cũng vẫn dành tiền để đi du lịch và ăn uống. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng không thực sự lo lắng về lạm phát đến mức phải cắt giảm chi tiêu, một dấu hiệu tương đối tích cực.

Theo ban lãnh đạo JPMorgan Chase, các hộ gia đình Mỹ vẫn có cuộc sống thoải mái nhờ tiền tiết kiệm, trong khi chi tiêu tăng mạnh và thị trường việc làm ổn định. Tuy nhiên, các nhân tố như lạm phát cao, những rủi ro về địa chính trị và chính sách thay đổi nhanh chóng của Fed nhằm siết tiền tệ và nâng lãi suất, nhiều khả năng sẽ có tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại họp báo, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon nhận định có hàng loạt vấn đề nghiêm trọng đang đe dọa đến triển vọng kinh tế, bao gồm quan ngại về khả năng Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt tự nhiên của Đức và kế hoạch tăng lãi suất mạnh của Fed có thể không đủ hiệu quả để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ khiến các thị trường trở nên dễ biến động.

Lạm phát cao kéo dài cũng làm tăng quan ngại rằng Fed sẽ siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, sau khi đã tăng 0,75 điểm % lãi suất, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Các số liệu lạm phát gần đây đã dẫn đến một cuộc họp chính sách về việc nâng lãi suất thêm 1 điểm % trong tháng này.

Thành viên ban điều hành của Fed, Thống đốc Christopher Waller cho biết có thể ủng hộ động thái này nếu các số liệu mới không cải thiện. Ông Dimon cảnh báo tác động từ việc Fed tăng lãi suất có thể nghiêm trọng hơn, nếu ngân hàng trung ương không thể giúp kinh tế Mỹ tránh được nguy cơ "hạ cách mềm"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục