Ngày 15/8, Jordan đã lên án Israel cho phép những tín đồ Do Thái cực đoan vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (Israel gọi là Núi Đền), nhấn mạnh rằng hành động đó có nguy cơ thổi bùng một "cuộc chiến tranh tôn giáo."
Bộ trưởng các vấn đề Hồi giáo và Awqaf (thuộc về tôn giáo) của Jordan, ông Wael Arabiyat, đã cáo buộc Tel Aviv cho phép "những phần tử cực đoan Do Thái" vào và cầu nguyện tại đền thờ Al-Aqsa ở phía Đông Jerusalem.
Ông cảnh báo rằng việc theo đuổi những biện pháp như vậy có nguy cơ thổi bùng cuộc chiến tranh tôn giáo ở khu vực, đồng thời lưu ý việc cấp phép cho các tín đồ Do Thái cực đoan vào đền thờ Al-Aqsa là một hành động "chuyên quyền."
Bộ trưởng Arabiyat cũng cáo buộc cảnh sát Israel có hành vi ngược đãi các tín đồ Hồi giáo tại ngôi đền này.
Trước đó, ngày 14/8, cảnh sát Israel cho biết, những tín đồ Hồi giáo bao vây hai tín đồ Do Thái, những người bị đuổi khỏi đền Al-Aqsa, và bắt đầu chửi mắng họ.
Trong khi đó, hãng thông tấn Ma'an của Palestine đưa tin ít nhất 18 người Palestine, trong đó có một trẻ vị thành niên, đã bị thương tại khu đền Al-Aqsa khi các cuộc đụng độ bùng phát giữa người Palestine và các lực lượng Israel đang hộ tống hàng trăm tín đồ Do Thái đang dự lễ kỷ niệm ngày lễ ăn chay Tisha B'av.
Cùng ngày, Quốc vương Jordan Abdullah buộc tội Israel thay đổi hiện trạng tại các điểm di sản và thắng cảnh quan trọng ở Jerusalem, cũng như hạn chế quyền của người Arab tại thành phố này.
Ông cho biết, Jordan cũng đang làm việc để chống lại "những vi phạm của Israel đối với quyền lợi và sự trấn áp nhằm vào người dân Arab," đồng thời cam kết sử dụng mọi biện pháp chính trị và pháp lý để gây sức ép với Israel về vấn đề Jerusalem, bao gồm các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Theo hiệp định hòa bình năm 1994 giữa hai nước, Jordan được trao quyền quản lý khu vực đền thờ Hồi giáo al-Aqsa - địa điểm tranh chấp giữa người Israel và Palestine.
Người Palestine buộc tội các nỗ lực của Israel nhằm Do Thái hóa thánh địa linh thiêng thứ ba của đạo Hồi này đã dẫn đến làn sóng bạo lực hiện nay./.