Johnson & Johnson bị phạt 572 triệu USD sau bê bối thuốc giảm đau

Các công tố viên đã chứng minh được rằng Johnson & Johnson góp phần tạo ra mối nguy hại đối với cộng đồng khi tiếp thị sai lệch và quảng bá thuốc giảm đau theo đơn có khả năng gây nghiện cao.
Johnson & Johnson là công ty dược phẩm đầu tiên bị đưa ra xét xử liên quan cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ. (Nguồn: foxbusiness.com)

Ngày 26/8, Tòa án bang Oklahoma của Mỹ đã yêu cầu "người khổng lồ" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Johnson & Johnson (J&J) phải bồi thường 572 triệu USD vì đã "tiếp tay" cho cuộc khủng hoảng nghiện chất opioid ở bang này.

Trong phiên tòa dân sự đầu tiên xét xử nhà sản xuất loại dược phẩm được cho là thủ phạm gây ra cái chết của hàng chục nghìn người mỗi năm do dùng quá liều, Thẩm phán Thad Balkman cho biết các công tố viên đã chứng minh được rằng J&J góp phần tạo ra mối nguy hại đối với cộng đồng khi tiếp thị sai lệch và quảng bá thuốc giảm đau theo đơn có khả năng gây nghiện cao.

[Video] Ấn Độ tìm thấy chất độc trong dầu gội trẻ em Johnson&Johnson

Thẩm phán Balkman nhấn mạnh "những hành động này đã làm tổn hại sức khỏe và sự an toàn của hàng nghìn người dân Oklahoma."

Theo phán quyết, J&J và bộ phận dược phẩm Janssen của công ty này sẽ phải hỗ trợ tài chính cho một "kế hoạch bồi thường" nhằm chăm sóc những người bị nghiện chất opioid, các gia đình và cộng đồng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng phụ thuộc thuốc chứa chất gây nghiện.

J&J là công ty dược phẩm đầu tiên bị đưa ra xét xử liên quan cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ.

Ngoài ra, hiện vẫn còn khoảng 2.000 vụ kiện khác chống lại các nhà sản xuất và phân phối thuốc. Sau phán quyết của tòa, cổ phiếu của J&J đã giảm 2% xuống còn 130 USD/cổ phiếu.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ bắt đầu từ những năm trở lại đây, chủ yếu bắt nguồn từ việc kê đơn quá liều đối với thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, kể cả morphin.

Trong 3 năm qua, những người nghiện thuốc giảm đau buộc phải chuyển sang dùng heroin và thuốc giảm đau chứa ma túy có tác động mạnh do nhà chức trách siết chặt việc bán thuốc giảm đau theo đơn.

Số liệu thống kê cho thấy các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như fentanyl có liên quan đến gần một nửa số ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều hiện nay, tăng từ mức 1/3 chỉ trong vòng 1 năm.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do sử dụng quá liều thuốc có gốc từ thuốc phiện.

Viện Nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ cho biết hơn 70.000 người dân nước này đã tử vong do lạm dụng thuốc vào năm 2017, trong đó có 47.000 người là nạn nhân của các loại thuốc có gốc từ thuốc phiện và 28.400 người chết vì sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa ma túy và các loại thuốc tương tự.

Thống kê cho thấy trong hai thập kỷ qua, gần 400.000 người đã tử vong vì dùng thuốc quá liều, thông qua việc kê đơn của bác sỹ hoặc dùng trái phép.

"Huyền thoại nhạc Pop" Prince (Prinx) và rocker Tom Perry cũng là hai trong số những nạn nhân tử vong do lạm dụng loại thuốc giảm đau này.

Thuốc giảm đau có chứa opioid được cho là nguy hiểm gấp 50 lần so với heroin. Năm 2017, nước Mỹ đã phải chi 115 tỷ USD để điều trị cho những người nghiện opioid và chăm sóc số trẻ em có cha mẹ bị mất sức lao động hoặc tử vong vì opioid.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký một dự luật nhằm mục đích ngăn chặn đại dịch opioid vốn khiến quốc gia này tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD để khắc phục hậu quả về sức khỏe cho những người nghiện opioid suốt gần 20 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục