Johnson & Johnson bắt đầu thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 giai đoạn 3

Ngày 23/9, công ty Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với 60.000 người.
Johnson & Johnson bắt đầu thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 giai đoạn 3 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: PharmaShots)

Ngày 23/9, công ty Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với 60.000 người.

Vắcxin của J&J chỉ sử dụng duy nhất một mũi tiêm, qua đó giúp đơn giản hóa quá trình phân phối hàng triệu liều vắcxin so với các công ty đối thủ hàng đầu hiện nay, khi các sản phẩm vắcxin của họ đều cần phải tiêm nhắc lại.

Phát biểu tại họp báo chung với các quan chức của Viện Y tế Quốc gia Mỹ và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Giám đốc Khoa học của J&J, Tiến sĩ Paul Stoffels cho biết kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ có vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Ông cho biết J&J sẽ công bố chi tiết nghiên cứu trong giai đoạn thử nghiệm này trên trang chủ công ty. Trong những tuần qua, 3 công ty sản xuất vắcxin khác cũng đã công khai các kế hoạch nghiên cứu sau khi có nhiều lời kêu gọi về tăng tính minh bạch trong các cuộc thử nghiệm.

Tiến sĩ Stoffels nêu rõ J&J đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 sau khi ghi nhận các kết quả tích cực trong các giai đoạn thử nghiệm trước tại Mỹ và Bỉ. Công ty dự định sẽ sớm công bố các kết quả này. Kết quả cho thấy chỉ một mũi tiêm vắcxin cũng đã đủ sức bảo vệ trong thời gian dài. Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của J&J sẽ được triển khai tại 215 khu vực ở Mỹ, Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Peru.

[Cạnh tranh phát triển vắcxin trên quy mô toàn cầu]

Công ty đang lên kế hoạch sản xuất khoảng 1 tỷ liều vắcxin vào năm 2021 và thậm chí là nhiều hơn thế. Mục tiêu của việc thử nghiệm là kiểm tra xem liệu vắcxin có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng chỉ với một mũi tiêm hay không.

Dù chưa rõ J&J sẽ được chính quyền Mỹ cấp phép vắcxin nhanh đến mức nào, nhưng công ty định sản xuất trước khi được thông qua để có thể đẩy nhanh công tác phân phối. Công tác thử nghiệm sẽ do một Ban Giám sát Dữ liệu và An toàn (DSMB) độc lập đánh giá về độ an toàn và hiệu quả của vắcxin. Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, khẳng định DSMB không bao gồm các nhân viên liên bang, mà là các nhà khoa học và chuyên gia thống kê giàu kinh nghiệm.

Hiện các vắcxin tiềm năng của Moderna Inc, Pfizer Inc và AstraZeneca đều cần tới 2 mũi tiêm cách nhau vài tuần, điều này gây khó khăn cho việc theo dõi. Tiến sĩ Dan Barouch, nhà nghiên cứu vắcxin của Harvard đã hỗ trợ J&J trong công tác bào chế vắcxin, nhấn mạnh vắcxin một mũi có lợi ích rất lớn trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn và kiểm soát đại dịch toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục