Chức vụ huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia không nên là một phương án dài hơi trong sự nghiệp của bất kỳ nhà cầm quân nào. No nê vinh quang có thể thủ tiêu sự sáng tạo lẫn minh mẫn. Joachim Loew cần phải lưu tâm tới điều ấy. Euro 2016 sẽ là giải đấu lớn thứ năm của ông trên cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đức. Tám năm không phải là số ít.
Ông Joachim Loew không giấu diếm tham vọng dẫn dắt đội tuyển Đức tới chức vô địch Euro tại Pháp trong Hè này, cùng với đó là cả việc bảo vệ thành công cúp vàng World Cup tại Nga năm 2018.
Ngoài Vitto Pozzo vô địch World Cup hai lần trên cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Italy vào năm 1934, 1938, chưa ai làm được điều này. Xét trong biên giới nước Đức, kể từ sau khi Helmut Schoen cùng đội tuyển Tây Đức giành hai danh hiệu lớn liên tiếp là Euro 1972 cùng World Cup 1974 chưa một ai lặp lại được thành tích tương tự.
Loew muốn đi vào lịch sử với tư cách là nhà cầm quân vĩ đại bậc nhất. Ông vì thế sẵn sàng bỏ qua những lời mời gọi hấp dẫn của các đại gia lục địa già. Real Madrid, Chelsea hay Arsenal đều đã có những lúc liên hệ với huấn luyện viên sinh năm 1960 này nhưng ông từ chối tất cả.
Khát khao cống hiến cho nước Đức trong Loew luôn cháy bỏng song điều này có thực sự trở thành hiện thực hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi. Thậm chí cực khó để trả lời, và rủi ro của nó là quá lớn so với những thử thách tương tự với các nhà cầm quân khác.
Lên đỉnh đã khó, trụ lại trên đỉnh thậm chí còn khó hơn. Chức vô địch World Cup 2014 tại Brazil vào mùa Hè năm ngoái là đỉnh cao trong sự nghiệp cầm quân của huấn luyện viên Joachim Loew. Từ vị thế trợ lý Juergen Klinsmann, Loew đã bước đi một quãng đường, nếm trải đầy đủ những cay đắng trước đi vào lịch sử đội tuyển Đức bên cạnh Herberge Sepp, Helmut Schoen và Franz Beckenbauer với tư cách một trong những huấn luyện viên xuất sắc nhất.
Song để tới với vinh quang một lần nữa lại là câu chuyện khác. Vitto Pozzo giành hai chức vô địch World Cup liên tiếp cùng đội tuyển Italy dưới cái bóng lớn của chủ nghĩa phátxít với ông trùm Benito Mussolini. Helmut Schoen đi vào lịch sử nước Đức cách đây đã 40 năm. Pháp vô địch World Cup 1998, Euro 2000 với hai huấn luyện viên khác nhau. Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, Euro 2012 với dấu ấn lớn của tiki-taka, thứ bảo bối giờ đã bị quá nhiều phương thức hóa giải.
Và nên nhớ, không một nhà cầm quân nào sở hữu quãng thời gian ngồi trên ghế huấn luyện lâu như Loew. Sự biến mất và sa sút của những trụ cột như Philipp Lahm, Sami Khedira, Lukas Podolski hay Bastian Schweinsteiger không chỉ đặt một dấu hỏi lớn về chu kỳ chiến thắng của Die Mannschaft mà còn chỉ ra thực tại rằng ông Loew đã không còn những người đi cùng mình từ những ngày đầu nữa.
Otto Rehhagel, nhà cầm quân lão làng người Đức sau khi cùng Hy Lạp tạo nên cú sốc lớn nhất trong lịch sử các kỳ Euro đã ở lại đất nước này thêm 6 năm để rồi thất bại muối mặt tại mọi giải đấu lớn sau đó. Ông Loew dĩ nhiên chưa ở tuổi 71 của Rehhagel để nuối tiếc về những quyết định trong giai đoạn thăng hoa cuối cùng của mình. Nhưng cũng chính vì còn đủ trẻ, ông Loew lại càng cần phải nhận ra việc rút lui vào thời điểm nào là phù hợp.
Những dấu hiệu đầu tiên của một sự thoái trào đã xuất hiện. Marko Reus bất ngờ chấn thương trước giải, trong khi ông Loew vẫn tin vào các cựu binh như Mario Gomez hay Lukas Podolski trên hàng công. Đức có thể không tan nát tại kỳ Euro sắp tới như Hy Lạp nhưng phong độ không xứng với kỳ vọng có thể sẽ tới. Và đó là hệ quả của sự gắn kết quá lâu giữa ông Loew và Liên đoàn Bóng đá Đức chứ phải điều gì khác./.