Johnson & Johnson (J&J) đã đạt được thỏa thuận với bang New York (Mỹ) với số tiền phạt 230 triệu USD và xác nhận sẽ ngừng sản xuất hoặc bán thuốc giảm đau nhóm opioid ở Mỹ.
Johnson & Johnson là một trong những “gã khổng lồ” dược phẩm bị cáo buộc đã thực hiện các chiến dịch quảng cáo hạ thấp nguy cơ gây nghiện của thuốc giảm đau nhóm opioid, khiến cho nhiều người sử dụng bị nghiện và thậm chí tử vong.
Thỏa thuận trên được công bố hôm 26/6, cho phép Johnson & Johnson giải quyết các vụ kiện về vai trò của hãng này trong cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau tại Mỹ vốn đã dẫn tới cái chết của hơn nửa triệu người kể từ năm 1999.
Về phần mình, Johnson & Johnson cho biết, thỏa thuận này cho phép họ tránh phải ra hầu phiên tòa dự kiến diễn ra vào ngày 28/6, đồng thời cho hay hãng đã đưa ra quyết định kinh doanh năm 2020, bao gồm việc ngừng cung cấp tất cả các loại thuốc giảm đau bán theo đơn tại Mỹ.
J&J lưu ý, thỏa thuận giàn xếp trên không phải là “sự thừa nhận trách nhiệm hoặc hành vi sai trái của hãng", đồng thời cho rằng các thủ tục pháp lý khác trên toàn quốc đang được tiến hành, bao gồm một phiên tòa ở bang California.
[Dịch COVID-19: Thái Lan công bố các biện pháp mới ứng phó dịch bệnh]
Công tố viên của bang New York cho biết, Johnson & Johnson sẽ chia đều các khoản thanh toán phạt trong chín năm. Tập đoàn này cũng có thể trả thêm 30 triệu USD trong năm đầu tiên nếu tiểu bang này ban hành luật mới liên quan tới việc thiết lập quỹ giải quyết khủng hoảng opioid.
Theo Tổng chưởng lý bang New York Letitia James, khủng hoảng opioid đã tàn phá cuộc sống của nhiều người dân bang New York và các khu vực khác của nước Mỹ, gây ra mối nguy hại cho cộng đồng, làm tiêu tốn hàng tỷ USD và biến hàng triệu người dân Mỹ trở thành con nghiện.
Bà nói thêm, J&J đã góp phần “châm ngòi” cho ngọn lửa này, nhưng mọi chuyện đã được cải thiện với cam kết của Johnson & Johnson về việc từ bỏ hoạt động kinh doanh opioid, không chỉ ở New York, mà còn trên toàn nước Mỹ.
J&J nhấn mạnh, quyết định này được đưa ra trước khi đạt được thỏa thuận với bang New York. Số tiền phạt 230 triệu USD nêu trên sẽ được dành cho các nỗ lực phòng ngừa, điều trị và giáo dục về sự nguy hiểm của các chất giảm đau gây nghiện ở bang New York.
Johnson & Johnson, Purdue Pharma và một số công ty dược phẩm khác đã bị cáo buộc khuyến khích bác sĩ kê đơn quá mức thuốc opioid - ban đầu chỉ dành cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư đặc biệt nghiêm trọng - mặc dù họ biết rằng chúng có khả năng gây nghiện cao.
Kể từ năm 1999, sự phụ thuộc vào thuộc giảm đau này đã đẩy nhiều người đến tình trạng sử dụng với liều lượng ngày càng cao và sử dụng các chất gây nghiện bất hợp pháp như heroin hoặc fentanyl, loại thuốc phiện tổng hợp cực mạnh với nguy cơ gây tử vong cao khi quá liều.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính rằng khoảng 90.000 người dân Mỹ đã chết vì sử dụng ma túy quá liều vào năm 2020, phần lớn trong số đó liên quan đến opioid.
Bộ Y tế Mỹ ước tính rằng cuộc khủng hoảng là nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm tuổi thọ trung bình trong bốn năm liên tiếp tại nước này vào các năm 2014, 2015, 2016 và 2017. Vào tháng 10/2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc gia.
Một nghiên cứu do American Society of Actuaries thực hiện ước tính, thiệt hại từ cuộc khủng hoảng opioid trong 4 năm 2015-2018 lên tới 631 tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng này dường như đang lắng dịu trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, đặc biệt là nhờ vào việc kiểm soát chặt chẽ hơn việc kê đơn thuốc, nhưng CDC gần đây đã báo cáo về sự gia tăng số ca tử vong do sử dụng quá liều.
Nhiều công ty khác cũng đang cố gắng đạt được các thỏa thuận để giàn xếp các vụ kiện tụng liên quan tới cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau này. Vào tháng 2/2021, công ty tư vấn McKinsey cho biết họ đã đồng ý trả 573 triệu USD để giải quyết các vụ kiện của 40 bang của Mỹ đã cáo buộc họ góp phần gây ra cuộc khủng hoảng opioid thông qua việc tư vấn cho các công ty dược phẩm, bao gồm cả công ty Purdue Pharma, nhà sản xuất thuốc Oxycontin./.