JICA hợp tác hình thành chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam

JICA phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương các tỉnh thực hiện các hoạt động trong xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến, tiêu thụ.
JICA hợp tác hình thành chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: Phạm Kha/TTXVN)

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã tổ chức họp báo về hợp tác của JICA trong hình thành chuỗi giá trị nông sản.

Theo Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Mori Mutsuya, JICA đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương các tỉnh Nghệ An, Lâm Đồng, Hà Nam và những đối tác thuộc khu vực tư nhân thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ tầm nhìn trung và dài hạn trong xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến, tiêu thụ.

Chìa khóa để các dự án thành công chính là thúc đẩy các hoạt động liên ngành, sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Trách nhiệm của JICA là đưa hoạt động của các dự án ở Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Nam vào quỹ đạo.

Thời gian tới, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương, những hoạt động thử nghiệm trên sẽ đi vào hoạt động ổn định, nắm bắt được thành công để hướng tới triển khai ở các địa phương khác.

Ông Mori Mutsuya cho biết khảo sát của JICA tại Lâm Đồng cho thấy, thu nhập của nông dân tại địa phương chỉ bằng 1/9 so với Malaysia. Nếu doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, cơ hội không chỉ đến với doanh nghiệp mà nông dân cũng có cơ hội lớn.

Chẳng hạn như tại Lâm Đồng, nếu chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ càphê sang trồng hoa, thu nhập của nông dân đã tăng lên 9 lần. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng đó, Chính phủ Việt Nam cần giải quyết vấn đề tồn đọng.

Ông Yamamoto Satoshi, cán bộ phụ trách nông nghiệp JICA cũng cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giám sát tốt các dự án cũng như nhân rộng các mô hình từ dự án trên.

Các địa phương trong quá trình triển khai các dự án cũng cần tìm ra vấn đề cần giải quyết và xác định những vấn đề không thể tự giải quyết được để có những đề xuất với JICA hỗ trợ và giải quyết.

Trong Đối thoại Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản, vấn đề đào tạo nhân lực cũng là một mục tiêu. Việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường sẽ được thực hiện tại trường Đại học Cần Thơ.

Mục tiêu là tăng cường khả năng cung cấp cả về lượng và chất nguồn nhân lực ứng phó với các vấn đề về môi trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả biến đổi khí hậu và tăng trưởng cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, JICA cũng tính đến việc hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc nghiên cứu các giống lúa, sau thu hoạch.

Về nông nghiệp công nghệ cao, JICA dự kiến sẽ áp dụng mô hình tại Hà Nam. JICA hiện đang tiến hành khảo sát thu thập thông tin về công nghệ thông tin trong nông nghiệp (ICT) và kiểm chứng khả năng này trong quản lý quy trình khép kín từ lập kế hoạch canh tác, trồng trọt đến bán hàng nhằm thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp tại Việt Nam. Việc thí điểm canh tác do người dân địa phương thực hiện dưới sự hướng dẫn của Công ty Nông nghiệp AEON Nhật Bản.

Ông Mori Mutsuya cũng cho biết sau khi tầm nhìn trung và dài hạn Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản được thiết lập, số doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia khảo sát thị trường tại Việt Nam.

Một số cản trở khiến nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự phát triển tương xứng như đối với nông dân và doanh nghiệp là khó tiếp cận với nguồn vốn vay; thiếu công nghệ, nghiên cứu có tính ứng dụng; không có thông tin trực tiếp về người tiêu thụ. Đối với doanh nghiệp nước ngoài đó là việc khó tiếp cận đất, thiếu những đối tác kinh doanh tuân thủ hợp đồng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục