JICA hỗ trợ hơn 16 triệu USD cho vận hành hồ chứa và quản lý lũ

JICA hỗ trợ hơn 16 triệu USD để thực hiện dự án "Vận hành hồ chứa trong thình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện" tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
JICA hỗ trợ hơn 16 triệu USD cho vận hành hồ chứa và quản lý lũ ảnh 1Nước trên sông Hương (Thừa Thiên Huế) dâng cao. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Sáng nay (10/8), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết thực hiện dự án: “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Tổng vốn của dự án là trên 18,2 triệu USD (tương đương trên 414 tỷ đồng); trong đó vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản là 1,8 tỷ Yên Nhật (tương đương trên 16,65 triệu USD), vốn đối ứng là 35,447 tỷ đồng (tương đương 1,558 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng kể từ khi Thỏa thuận viện trợ (G/A) được ký kết (từ năm 2017 đến năm 2020).

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, dự án này sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững thông qua việc thiết lập khung vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp, xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo đến các khu vực dễ bị tổn thương trên lưu vực sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế).

[Mưa to, các hồ thủy điện ở Thừa Thiên-Huế xả lũ gây úng ngập cục bộ]

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, dự án cũng sẽ góp phần phát triển toàn diện hệ thống thông tin phòng chống thiên tai. Từ đó sẽ xây dựng mô hình thí điểm về vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả nhằm nghiên cứu nhân rộng đến các lưu vực sông khác.

JICA hỗ trợ hơn 16 triệu USD cho vận hành hồ chứa và quản lý lũ ảnh 2lễ ký kết hợp tác dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện.” (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Mục tiêu cụ thể của dự án là thiết lập hệ thống vận hành và quản lý đối với 3 đập lớn đang hoạt động kết hợp với việc phòng chống thiên tai tại lưu vực trên sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế). Đồng thời thiết lập mạng lưới thông tin phòng chống thiên tai toàn diện và các biện pháp dự báo, cảnh báo khẩn cấp thích hợp trên sông Hương từ đó giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt. Đặc biệt, dự án sẽ giúp hoàn chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hương, tạo công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý,” Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Nhìn nhận tình hình thực tế trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng thừa nhận công tác phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

[Xây dựng kế hoạch phòng chống siêu bão, quản lý lũ tổng hợp]

Theo số liệu thống kê, riêng năm 2016, thiệt hại do thiên tai ước tính là gần 39.726 tỷ đồng (828.661 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp v.v...).

Thứ trưởng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định phòng chống thiên tai là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng hệ thống các công trình, cơ sở vật chất phòng chống thiên tai, cũng như hoàn thiện thể chế, chiến lược, chính sách, tăng cường năng lực và nhận thức người dân.

Một trong những giải pháp mà Việt Nam đang hướng tới đó là áp dụng mô hình quản lý lũ tổng hợp trên các lưu vực sông, sử dụng các thiết bị thông tin toàn diện trong vận hành hồ chứa vào mùa lũ, thông qua sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản.

“Từ năm 2011 - 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và JICA đã tiến hành thí điểm các hoạt động xây dựng Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp tại lưu vực sông Hương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, chúng ta lại tiếp tục lựa chọn áp dụng thiết bị quan trắc hiện đại gồm radaX-band đo mưa, thiết bị đo mực nước tự động theo thời gian thực và phần mềm xử lý dự báo mực nước hạ du tại lưu vực này,” Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói.

Thứ trưởng cũng mong muốn dự án này không chỉ cung cấp cho cơ sở trang thiết bị phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ trên lưu vực sông Hương mà còn mở đầu cho một hướng tiếp cận mới cả về công nghệ lẫn phương pháp phòng chống lũ. Kết quả thành công của dự án sẽ được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cũng bày tỏ sự chia sẻ những mất mát mà người dân đồng bào vùng Tây bắc Việt Nam phải gánh chịu trong đợt lũ quét và sạt lở đất vừa qua. Đồng thời, ông cũng hy vọng dự án này được thực hiện sẽ góp phần giúp người dân Việt Nam giảm thiểu rủi ro thiên tai do lũ lụt.

Ông Fujita Yasuo cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bố trí đầy đủ ngân sách theo như viện trợ để dự án được thuận lợi, đúng tiến độ; tiếp tục hoàn thành việc xin cấp phép cho một số hoạt động của dự án từ một số bộ ngành liên quan…

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng đề nghị Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với chuyên gia Nhật Bản và các cơ quan liên quan triển khai dự án đảm bảo đúng mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ hai nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục