JICA hỗ trợ đánh giá về công nghệ cácbon thấp tại Việt Nam

Sáng 28/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã tổ chức hội thảo tổng kết hoạt động đánh giá công nghệ cácbon thấp tạo điều kiện thực hiện NDC của Việt Nam.
Hội thảo tổng kết hoạt động đánh giá công nghệ cácbon thấp tạo điều kiện thực hiện NDC của Việt Nam. (Nguồn ảnh: JICA)

Sáng nay, 28/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức hội thảo tổng kết hoạt động đánh giá công nghệ cácbon thấp tạo điều kiện thực hiện Đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC) của Việt Nam.

Đây là hoạt động nằm trong phạm vi của Hợp phần 1 Dự án “Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức Giám sát-Báo cáo-Thẩm định” (gọi tắt là Dự án SPI-NAMA).

Trong phạm vi của dự án, từ tháng 9/2016, JICA đã hợp tác với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu giảm thiểu đặt ra trong Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định.

Đến nay, JICA và Cục Biến đổi Khí hậu đã tiến hành xem xét các công nghệ cácbon thấp tiềm năng để có thể thực hiện 45 giải pháp giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính trong bốn lĩnh vực bao gồm năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và rừng, chất thải.

[Nhật Bản cấp hàng cứu trợ tới người dân chịu ảnh hưởng của bão số 12]

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong quá trình thực hiện đánh giá, JICA và Cục Biến đổi Khí hậu đã đẩy mạnh phối hợp và trao đổi thông tin với các bộ ngành và khu vực tư nhân thông qua các buổi trao đổi chuyên đề, đối thoại các bên nhằm xác định những công nghệ cácbon phù hợp cho công tác giảm thiểu của từng ngành.

Nhờ vậy, năng lực của các bộ ngành cho công tác lập kế hoạch và triển khai các hoạt động giảm thiểu theo ngành cũng được tăng cường.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu nhận định: “Khảo sát đánh giá công nghệ cácbon thấp này không chỉ là tài liệu tham khảo hữu ích và có tính thực tiễn cho quá trình đánh giá, chỉnh sửa bản Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, mà còn đóng góp cho việc thực hiện Nghị định về Lộ trình giảm thiểu khí nhà kính sắp tới.”

Ông Tuệ cũng đánh giá cao hỗ trợ của JICA và cho biết nhờ tham gia vào quá trình khảo sát, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã tăng cường năng lực trong điều phối cho các hoạt động giảm thiểu theo yêu cầu của Hiệp định Paris.

Tại hội thảo, đại diện JICA kỳ vọng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cũng như các bộ liên quan sẽ tiếp tục tích cực trong việc triển khai các hoạt động giảm thiểu cụ thể thông qua việc đưa vào ứng dụng công nghệ các bon thấp nhằm hướng tới xây dựng một xã hội cácbon thấp tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục