Để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và trên cơ sở đề nghị hỗ trợ từ các cơ quan đối tác, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định tiếp tục triển khai các gói viện trợ trị giá tương đương khoảng 60 triệu yên (khoảng 12 tỷ đồng) cho Bệnh viện Chợ Rẫy và khoảng 20 triệu yên (khoảng 4 tỷ đồng) cho các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh.
[Không có ca mắc COVID-19 mới, BN91 đã ngừng dùng tim phổi nhân tạo]
Ngày 3/6 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã trao tặng lô đầu tiên của gói viện trợ gồm 2.000 cuốn Sổ tay “Quy trình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn.”
Sổ tay “Quy trình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn” do Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Chợ Rẫy biên soạn với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia JICA.
Cuốn Sổ tay được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Chợ Rẫy Hữu Nghị Việt-Nhật (Chợ Rẫy II) dự kiến sẽ được thành lập trong thời gian tới cũng như 21 bệnh viện tuyến tỉnh thuộc khu vực Miền Nam mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang chỉ đạo tuyến và hỗ trợ.
Nhằm nâng cao các dịch vụ y tế chất lượng cao lấy người bệnh làm trung tâm, JICA đang thực hiện Dự án “Hợp tác Kỹ thuật Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện” cho Bệnh viện Chợ Rẫy, thông qua việc áp dụng quy trình an toàn cho người bệnh, quy trình lâm sàng và phối hợp nhóm đa ngành, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Gói viện trợ lần này được cung cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm nâng cao năng lực quản lý bệnh viện mà dự án đang hướng tới.
Tháng 8/2019, để tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Dự án JICA đã thực hiện các khóa tập huấn về việc sử dụng các thiết bị bảo hộ cho các bác sỹ và điều dưỡng tại bệnh viện.
Từ trước khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận và chuyển đến điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 1/2020, các chuyên gia của JICA đã cung cấp giáo trình và thực hiện các buổi tập huấn liên quan về phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện.
Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam từng phải đối phó với rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, từ năm 2006, JICA đã thực hiện các dự án viện trợ không hoàn lại thiết lập Phòng an toàn sinh học cấp 3, Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
Với hỗ trợ từ các dự án trên, hai Viện đã rất tích cực thực hiện các hoạt động xét nghiệm để ứng phó với dịch bệnh do virus COVID-19 lần này.
Hiện nay, trong khuôn khổ Dự án giai đoạn 3 “Nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam, Lào, Campuchia,” các chuyên gia JICA đã làm việc cùng với NIHE và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực xét nghiệm không chỉ ở NIHE, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả các trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh.
Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hoạt động nói trên, đồng thời cũng tăng cường năng lực xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam.
JICA, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Nhật Bản, sẽ tiếp tục hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam chung sức ứng phó với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 lần này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus corona là một họ virus lớn được tìm thấy ở cả động vật và người. Một số virus có thể gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Virus corona mới là một chủng của virus corona chưa từng xác định được ở người trước đây. Virus mới này hiện gọi là COVID-19, được báo cáo tại Vũ Hán, Trung Quốc lần đầu vào tháng 12 năm 2019./.