Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) vừa công bố báo cáo điều tra về 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á và Ấn Độ sẽ lún sâu vào suy thoái do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Năm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (gọi tắt ASEAN-5).
Cuộc điều tra này do JCER hợp tác với Nikkei Inc. tiến hành từ ngày 5 đến 25/6 vừa qua, với sự tham gia của 38 chuyên gia kinh tế và các nhà phân tích ở 6 nền kinh tế trên.
Kết quả điều tra cho thấy triển vọng đối với các nền kinh tế châu Á đang xấu hơn trong quý 2 này do tác động của dịch COVID-19 và các hạn chế kinh doanh đang được tăng cường trên khắp khu vực này.
Trong quý 2 này, ASEAN-5 và Ấn Độ đã suy giảm đáng kể và 6 nền kinh tế này sẽ tăng trưởng âm trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng tăng.
Các chuyên gia kinh tế hy vọng các nền kinh tế này có thể sẽ phục hồi trong nửa cuối của năm 2020, nhưng sự phục hồi sẽ chỉ xảy ra nếu dịch bệnh đã được kiểm soát.
Ngoài dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ là một nhân tố khác có thể ảnh hưởng tới các nền kinh tế này.
Chuyên gia Wan Suhaimie của ngân hàng Kenanga Investment Bank có trụ sở ở Malaysia nhận định: “Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách tăng cường kiểm soát đối với Hong Kong sẽ tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính cũng như thương mại toàn cầu.”
[Các nước ASEAN nỗ lực khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19]
JCER cho biết để đối phó với dịch COVID-19, vào tháng Ba vừa qua, ASEAN-5 và Ấn Độ đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế hoạt động đi lại của người dân và các hoạt động kinh doanh.
Hôm 15/3 vừa qua, Philippines đã áp đặt các biện pháp phong tỏa ở thủ đô Manila. Trong khi đó, Ấn Độ đã ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 25/3 vừa qua. Các biện pháp này được duy trì cho đến tháng Năm hoặc tháng Sáu vừa qua, sau đó được nới lỏng một phần.
Cho đến nay, tốc độ lây nhiễm ở Malaysia, Thái Lan và Singapore đã chậm lại. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ vẫn đang tăng, và cho đến cuối tháng Sáu, nước này đã xác nhận hơn 500.000 ca mắc COVID-19. Các quan ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn đang tồn tại trong khắp khu vực này.
Các hoạt động kinh doanh vẫn đang bị hạn chế bởi lệnh phong tỏa và các biện pháp khác mà các quốc gia này đang áp dụng.
JCER dự báo tốc độ tăng trưởng của ASEAN-5 trong quý 2 này là âm 7,8%, giảm tới 9,7 điểm so với cuộc khảo sát mà JCER thực hiện vào tháng Ba.
Cả 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đều sẽ tăng trưởng âm; trong đó tốc độ suy giảm của Malaysia, Thái Lan và Singapore có thể vượt ngưỡng 10%.
Chuyên gia Vincent Loo Yeong Hong thuộc tổ chức KAF Research có trụ sở ở Malaysia nhận định: “Tốc độ suy thoái mạnh (của Malaysia trong quý 2 vừa qua) phản ánh (các tác động) của biện pháp phong tỏa trên toàn quốc kéo dài ba tháng từ ngày 18/3 tới 9/6 vừa qua.”
Trong khi đó, chuyên gia Panundorn Aruneeniramarn thuộc ngân hàng Siam Commercial Bank có trụ sở ở Thái Lan nói: “Nền kinh tế Thái Lan sẽ bị thiệt hại nặng nề do ngành du lịch, xuất khẩu và tác động của biện pháp phong tỏa.”
Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ giảm tới 20,6% trong quý 2 vừa qua. Nền kinh tế này được dự báo sẽ tăng trưởng âm 5,1% trong tài khóa 2020-2021.
Tuy nhiên, tăng trưởng của Ấn Độ có thể sẽ đạt 6,9% trong tài khóa 2021-2022 cho dù điều này còn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19.
Chuyên gia Tirthankar Patnaik của Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSEI) nói: “Dịch COVID-19 và các biện pháp mà Chính phủ Ấn Độ thực hiện để khống chế dịch bệnh, trong đó có biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài đã khiến hoạt động kinh tế ngưng trệ.”
Trong bối cảnh đó, hôm 12/5 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 20.000 tỷ rupee (khoảng 267,25 tỷ USD), tương đương khoảng 10% GDP của nước này, để hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ bắt đầu nới lỏng dần dần phong tỏa từ đầu tháng Sáu. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan.
Ngoài việc dự báo về tăng trưởng kinh tế của ASEAN-5 và Ấn Độ, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những dự báo về hàng loạt thay đổi trong hệ thống kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia Sonal Varma của tổ chức Nomura India nói: “Các rủi ro gây bất ổn tài chính vẫn đang gia tăng.”
Trong khi đó, chuyên gia Amonthep Chawla của ngân hàng CIMB Thai Bank chia sẻ: “Tôi lo ngại về xu hướng chống toàn cầu hóa, theo đó mỗi quốc gia sẽ ngăn cản nhập khẩu từ các quốc gia khác để tăng cường sự hồi phục của sản xuất trong nước”./.