Chính quyền thủ đô Jakarta đang lập kế hoạch xây các bức tường khổng lồ dọc theo bờ biển của thành phố nhằm ngăn chặn nguy cơ thành phố đang bị chìm dần so với mực nước biển.
Thủ đô Jakarta của Indonesia là một trong những thành phố tập trung đông dân cư nhất trên thế giới, trong khi địa hình ngầm của thành phố này là một đồng bằng lầy và đang chìm dần với tốc độ nhanh hơn so với bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới.
Các nhà khoa học đã nêu một trong những nguyên nhân khiến thành phố Jakarta bị chìm dần là do việc sử dụng nước ngầm tràn lan không kiểm soát.
Người đứng đầu Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia, Bambang Brodjonegoro cho biết: “Việc xây dựng các bức tường là tối cần thiết và không cần bàn cãi bởi tính cấp thiết của nó đối với Thủ đô.”
Ông Bambang cho biết thêm ông đã đệ trình lên Tổng thống Joko Widodo một báo cáo chi tiết về các tính toán và phân tích toàn diện dự án.
Dựa trên tình hình thực tế, dự án này trở nên cấp thiết bởi thành phố đang chìm nhanh hơn so với dự báo trước đây.
Bên cạnh đó, không chỉ Jakarta mà tất cả các khu vực ven biển của Java đều có xu hướng bị chìm dần.
Khu vực Semarang Trung Java thậm chí đã bị ngập nước biển.
Giai đoạn đầu của việc xây dựng bức tường biển khổng lồ sẽ có giá khoảng 10 nghìn tỷ rupia (tương đương 7,7 tỷ USD), trong đó có cả các dự án khảo sát Jakarta đến năm 2025.
Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng có thể thực hiện chính sách kiểm soát việc sử dụng các nguồn nước ngầm bằng cách cải thiện hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt.
Trong giai đoạn tiếp theo, Jakarta sẽ phải xây dựng tường cả ngoài khơi với chi phí gấp 7-8 lần giai đoạn đầu (dự kiến lên tới 70-80 nghìn tỷ rupia).
Điều đó có thể giúp Jakarta được bảo vệ cho đến năm 2040 hoặc lâu hơn nữa.
Theo kế hoạch, các bức tường trên bờ phải được xây dựng sớm ở những nơi mặt đất đang chìm nhanh, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 hoặc 2021./.