Jaipur - Đi qua một giấc mộng màu hồng khó tin giữa đời thực

Là thị trấn buôn bán sầm uất xưa kia, thành cổ Jaipur được bao quanh bởi bức tường thành cao, những con phố trải rộng và trên hết là các công trình kiến trúc bằng đá hoa cương lấp lánh.

Mênh mang và bí ẩn, nền văn minh sông Hằng ẩn chứa trong mình vô vàn huyền tích khiến bất kỳ du khách nào từng một lần đến đây đều cảm nhận rõ sức hút mạnh mẽ từ bầu không khí tín ngưỡng đậm đặc, từ những kiến trúc lăng tẩm nghìn năm tuổi, và từ nhịp sống náo nhiệt đến chóng mặt. Kiệt sức nhưng đầy mê đắm, Jaipur cuốn tôi vào một giấc mộng màu hồng khó tin giữa đời thực.

Nằm ở phía Bắc Ấn Độ, thành phố Jaipur hiện lên như một viên ngọc ruby giữa cái nắng oi ả và khô hanh của vùng bán sa mạc. Không quá đông đúc như thành phố Mumbai hay thủ đô New Delhi, Jaipur nổi tiếng nhờ phong cách kiến trúc không lẫn với bất kỳ nơi nào khác.

Là thị trấn buôn bán sầm uất xưa kia, thành cổ Jaipur được bao quanh bởi bức tường thành cao, những con phố trải rộng và trên hết là các công trình kiến trúc bằng đá hoa cương lấp lánh.

Màu hồng đặc trưng của Jaipur chỉ có từ năm 1876, khi người Anh chiếm đóng Ấn Độ. Nhân dịp hoàng tử Albert sang thăm thành phố, người dân bản địa đã quét sơn hồng lên toàn bộ công trình và nhà cửa. Và Jaipur được khoác lên mình tấm áo hồng rực rỡ đến ngày hôm nay.

Những ô kính màu bên trong Cung điện của gió Hawa Mahal

Nhắc đến thành phố hồng Jaipur, người ta nghĩ ngay đến Cung điện của gió Hawa Mahal. Công trình độc đáo này được xây dựng cuối thế kỷ 18 bởi hoàng đế Maharaja Sawai Pratap Singh, dành cho những phụ nữ hoàng gia có thể ngắm nhìn phố phường mà người ở bên ngoài không thể trông thấy họ.

Giống như một tổ ong khổng lồ bằng đá sa thạch hồng và đỏ, cung điện gồm năm tầng với 953 ô cửa được trang trí, chạm trổ tinh tế đến từng chi tiết, mô phỏng chiếc vương miện của thần Krishna trong đạo Hindu.

Cái tên Cung điện của gió bắt nguồn từ hệ thống cửa sổ khổng lồ này, gió từ bên ngoài lùa vào mọi ngóc ngách khiến Hawa Mahal mát mẻ ngay cả trong tiết trời nóng bức của mùa Hè.

Trái ngược với sắc hồng rực rỡ, khung cảnh buôn bán sầm uất bên ngoài cánh cửa cung điện khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Tôi và cô bạn đồng hành tìm được một quán càphê nhỏ, nằm đối diện cung điện, trên tầng ba của một căn nhà nhỏ; chúng tôi thích thú khi phát hiện ra một góc lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh Hawa Mahal. Hít hà hương quế hồi trong ly trà chai ấm nóng, chúng tôi bỗng thấy mình chẳng khác những cung nữ năm xưa, ẩn mình sau ô cửa sổ rực rỡ, lặng lẽ ngắm nhìn cuộc sống nhộn nhịp ngoài phố.

Tôi và cô bạn quay trở lại gặp Dave, chàng hướng dẫn viên kiêm tài xế lái xe tuk tuk. Với giọng tiếng Anh chuẩn, không pha âm sắc Ấn, Dave đồng ý đưa chúng tôi đi tham quan Jaipur trong một ngày với giá trọn gói 15 USD.

Dù hết sức tin tưởng khả năng dẫn dắt và giới thiệu của Dave, xong tôi vẫn hú vía mỗi khi ngồi trên chiếc tuk tuk của anh. Giữa con phố đông nghẹt, nào là xe kéo tay, xe ôtô, xe đạp, xe máy, người đi bộ, rồi cả voi lẫn ngựa đủng đỉnh, chiếc xe của Dave luồn lách, len lỏi, chụm đầu túm tụm với các phương tiện khác tại vòng xoay như một đàn kiến rồi lại hối hả tỏa ra các ngả.

Tiếng còi xe inh ỏi, rõ ràng không phải để xin đường, mà như một thói quen khi các phương tiện cùng lúc hòa vào dòng người ngược xuôi này. Túm chặt lấy song sắt bên mạn trái chiếc xe, người tôi lắc lư theo tay lái điệu nghệ của Dave. Nhìn chúng tôi mệt lử ở ghế sau, Dave cười ngặt nghẽo. Anh hỏi: “Các bạn còn sức để đi mua sắm chứ?”, chẳng ai bảo ai, cả hai chúng tôi đồng thanh “Yes."

Cuộc sống đường phố nhìn từ cửa sổ Hawa Mahal.

Dù đã được Dave căn dặn trước về kỹ nghệ bán hàng của người Ấn Độ, nhưng tôi vẫn phải thừa nhận đàn ông Ấn là những người bán hàng giỏi nịnh và bền bỉ nhất thế giới.

Trước những lời đường mật, những ly trà truyền thống ngọt ngào, và cả ánh mắt như sẵn sàng trao cả thế giới cho bạn, nếu không có cái đầu tỉnh táo thì bạn hoàn toàn có thể phải trả khoản tiền cao hơn nhiều so với giá trị thực tế của món hàng.

[Tân Cương - vẻ đẹp mê hoặc của thiên đường chốn trần gian]

Sau một hồi đi bộ dọc con phố, ngắm nhìn đủ loại vải vóc, và các sản phẩm thủ công đa dạng, chúng tôi rẽ vào một cửa hàng mỹ nghệ. Cô bạn tôi có vẻ thích một bộ trang sức bạc làm bằng thủ công rất đẹp.

Không phải đợi lâu, người bán hàng đã cất lời chào mời đon đả, và nhiệt tình cho chúng tôi xem hết sản phẩm này tới món đồ khác. Tinh ý phát hiện ánh mắt bạn tôi nhắm đến bộ trang sức bạc, ông đưa ra một mức giá cao ngất. Tôi mỉm cười lúc lắc đầu theo kiểu đặc trưng của người Ấn. Đáp lại bằng cái lắc đầu tương tự, ông nói: “Hai cô gái xinh đẹp, trả cho tôi thêm chút nữa đi”. Mắt nhìn thẳng vào cô bạn tôi, người bán hàng bắt đầu thủ thỉ những lời ngọt ngào, rằng bộ trang sức này quả là xứng với người xinh đẹp như cô, hỏi han cô đến từ đâu, và sẽ ở lại Jaipur bao lâu nữa…

Thấy ông chủ đang áp dụng chiến thuật bán hàng đúng như Dave từng cảnh báo và nhận ra dáng vẻ ngập ngừng của bạn đồng hành, tôi vội kéo bạn mình ra khỏi cửa hàng. Nhíu mày tỏ vẻ không hài lòng, người bán hàng cuối cùng đành tặc lưỡi đồng ý bán cho chúng tôi món hàng với giá bằng một phần ba so với ban đầu.

Bước ra phố, chúng tôi khúc khích cười với thành quả có được, mà không hề hay nắng đã tắt sau bức tường thành. Trong ráng chiều, sắc hồng quyến rũ của Jaipur từ từ chuyển sang đỏ rực dưới hàng ngàn ánh đèn lung linh, mờ ảo.

Tôi chợt nghe văng vẳng câu nói của Alexandra David-Néel, trong cuốn sách “Hành trình tới Lhasa”: “Miễn là con người tiếp tục đi tới những làng mạc xa xôi, hẻo lánh nơi mà họ có thể tìm thấy một căn phòng nhỏ để qua đêm, miễn là con người tiếp tục tận hưởng giao thông công cộng và những người bán hàng rong trên phố thay đổi mỗi mùa, họ sẽ tìm thấy sự thoải mái trong những điều bé nhỏ.”/.

Hawa Mahal nhìn từ quán càphê bên kia đường.
Nội thất hoà nhạc phía trong cung điện Madhavendra.
Tác giả tại Cung điện Madhavendra, một trong những công trình nổi tiếng tại Jaipur.

Bài: Alex Tu
Ảnh: TH

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục