Theo hãng tin Reuters, việc Nga triển khai hành động quân sự đặc biệt tại Ukraine đã khiến Italy phải giữ lại phần tài trợ của họ cho dự án xây dựng nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Bắc Cực 2 trị giá 21 tỷ USD do công ty sản xuất khí đốt tư nhân Nga Novatek dẫn dắt.
Các đồng minh phương Tây đã thực hiện các bước chưa từng có để cô lập nền kinh tế và hệ thống tài chính Nga sau động thái nhằm vào Ukraine. Ngày 28/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết lĩnh vực năng lượng đã được miễn trừ, nhưng các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành này vẫn còn để ngỏ.
Khả năng bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đã khiến Italy phải suy nghĩ lại về khoản vay của mình đối với nhà máy LNG Bắc Cực 2, mà theo các nguồn tin vào khoảng 500 triệu euro (561 triệu USD).
Công ty cho vay nhà nước Italy Cassa Depositi e Prestiti (CDP) và chi nhánh Nga của ngân hàng lớn nhất nước này là Intesa Sanpaolo đã đồng ý hỗ trợ tài chính cho dự án của Novatek trong những tuần gần đây.
Khoản vay này được đảm bảo bởi SACE, cơ quan tín dụng xuất khẩu của Italy đã bảo hiểm gần 5 tỷ euro cho các dự án và đầu tư liên quan đến Nga.
[S&P Global Rating hạ mức xếp hạng nợ công của Nga]
Phát biểu với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, các nguồn tin cho biết khoản vay chưa được giải ngân, và CDP và Intesa Sanpaolo hiện đang kiên nhẫn ngồi chờ trong bối cảnh một loạt các công ty đang hạn chế quan hệ với Nga.
Một trong những nguồn tin cho biết các cuộc thảo luận về số phận của khoản vay đang diễn ra giữa Intesa Sanpaolo, CDP, SACE và Bộ Tài chính Italy. Một nguồn tin thứ ba gần gũi với vấn đề cho biết hiện tại, thỏa thuận cho vay vẫn được duy trì. Tất cả các bên liên quan đều từ chối cho ý kiến.
Italy, tuần trước đã công bố các biện pháp nhằm thúc đẩy sản lượng khí đốt trong nước lên khoảng 5 tỷ m3 mỗi năm từ mức 3,2 tỷ m3 hiện tại, đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt để giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine, nhà máy sản xuất LNG Bắc Cực 2 dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2023 và đạt công suất sản xuất gần 20 triệu tấn LNG mỗi năm vào năm 2026.
Tháng 11/2021, Novatek đã công bố các thỏa thuận cho vay với các ngân hàng nước ngoài và Nga trị giá 9,5 tỷ euro, đảm bảo nguồn tài chính bên ngoài cần thiết cho dự án trên.
Các cổ đông của nhà máy sản xuất LNG Bắc Cực 2 là Novatek (60%), TotalEnergies (10%), CNPC của Trung Quốc (10%) và CNOOC (10%), cũng như Arctic LNG của Nhật Bản, một công ty của Mitsui & Co, Ltd. và JOGMEC (10%).
Năm 2021, các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu đã bày tỏ quan ngại về sự hỗ trợ tiềm năng từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho dự án LNG 2 ở Bắc Cực mà theo họ là không tương thích với các mục tiêu khí hậu./.