Italy và nỗi đau người chết không kịp an táng vì dịch COVID-19

Những chiếc quan tài chất đống và hàng loạt thi hài được niêm phong trong các căn nhà khi nhiều công ty mai táng ở Bergamo, Italy, bị quá tải.
Nhân viên nhà tang lễ vận chuyển quan tài của một nạn nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 vào một nghĩa trang ở Bergamo. (Ảnh: Reuters)

Theo The Guardian, những cỗ quan tài chờ chôn cất xếp hàng dài trong các nhà thờ, và thi hài của những người qua đời tại nhà thì được giữ trong các căn phòng kín suốt nhiều ngày, trong khi công ty dịch vụ tang lễ vật lộn để đáp ứng nhu cầu tại Bergamo - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch virus corona ở Italy.

Tính đến hết ngày 19/3, dịch COVID-19 đã khiến hơn 3.400 người ở Italy thiệt mạng, và hầu hết tất cả đều được chôn cất hoặc hỏa táng mà không tổ chức tang lễ.

Những người qua đời trong bệnh viện đã chết trong cô độc, với đồ đạc tùy thân để trong những chiếc túi bên cạnh quan tài, trước khi được nhân viên nhà tang lễ đến đưa đi.

Ở Bergamo, một tỉnh với dân số 1,2 triệu người thuộc vùng Lombardy, tính đến thứ Tư vừa rồi đã có 4.305 người nhiễm virus và 1.959 trong tổng số ca tử vong trên toàn quốc cũng xảy ra tại đây.

[Italy vượt Trung Quốc về số người tử vong do COVID-19]

Chưa rõ đã có bao nhiêu người chết vì bệnh dịch trên toàn tỉnh, nhưng tình hình tại đây đã trở nên căng thẳng đến mức vào tối thứ Tư, quân đội đã được huy động để di chuyển 65 cỗ quan tài khỏi nghĩa trang ở thị trấn Bergamo, đưa chúng tới các vùng Modena và Bologna.

CFB, công ty dịch vụ tang lễ lớn nhất vùng, đã tổ chức gần 600 buổi chôn cất hoặc hỏa táng tính từ ngày 3/1 đến nay.

Quân đội can thiệp để di chuyển các thi hài khỏi nghĩa trang chính ở thị trấn Bergamo. (Ảnh: Shutterstock)

"Bình thường một tháng chúng tôi chỉ tiếp nhận khoảng 120 người," Antonio Ricciardi, chủ tịch của CFB cho biết. "Cả một thế hệ đã qua đời chỉ trong vòng hơn hai tuần. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến chuyện gì như vậy và điều đó chỉ khiến bạn muốn khóc."

Có khoảng 80 công ty tang lễ ở Bergamo, mỗi công ty nhận được hàng chục cuộc gọi mỗi giờ. Đang diễn ra tình trạng thiếu hụt quan tài do các nhà cung cấp dịch vụ phải cố gắng bắt kịp nhu cầu. Ngoài ra, việc các nhân viên xử lý tang lễ cũng bị nhiễm virus đã cản trở hoạt động của họ.

Các bệnh viện đã áp dụng những quy tắc nghiêm ngặt hơn trong việc xử lý thi hài, theo đó, họ cần được đặt ngay vào trong quan tài mà không được mặc quần áo do những rủi ro lây nhiễm từ cơ thể.

"Các gia đình cũng không thể nhìn mặt người thân lần cuối hay tổ chức cho họ một đám tang tử tế. Đây là một vấn đề lớn về mặt tâm lý," Ricciardi chia sẻ. "Nhưng cũng vì rất nhiều nhân viên đã đổ bệnh, chúng tôi không có đủ người để vận chuyển và lo liệu cho các thi hài."

Đối với những người chết tại nhà, quy trình còn kéo dài hơn, vì họ cần được chứng nhận bởi hai bác sỹ. Thứ hai là một chuyên gia thường phải chứng nhận cái chết không quá 30 tiếng sau khi một người qua đời.

"Vì vậy, bạn phải chờ tới khi cả hai bác sĩ đến, và tại thời điểm này, nhiều người trong số họ cũng đã mắc bệnh," Ricciardi nói thêm.

Stella, một giáo viên ở Bergamo, đã chia sẻ câu chuyện về một trong những người đã thiệt mạng với tờ Guardian.

"Hôm qua, một người đàn ông 88 tuổi đã qua đời," cô kể. "Ông ấy đã bị sốt vài ngày. Không thể nào gọi được một chiếc xe cứu thương, vì đường dây điện thoại luôn bận. Ông ấy đã trút hơi thở cuối cùng một mình trong phòng. Một tiếng sau đó, xe cứu thương mới tới. Rõ ràng là chẳng còn gì có thể làm được nữa. Và vì ở Bergamo giờ chẳng còn cỗ quan tài nào, họ đã để ông ấy ở nguyên trên giường và niêm phong căn phòng lại để người thân của ông ấy không bước vào, tới khi tìm được một cỗ quan tài."

Một nhân viên nghĩa trang đóng cánh cổng phía sau xe tang tại nghĩa trang Monumental ở Bergamo. (Ảnh:Getty Images)

Sự đau khổ càng tăng thêm trước thực tế rằng mọi người không thể đến thăm những người thân yêu ở bệnh viện, hay tổ chức cho họ một lễ tang tử tế.

"Thông thường bạn có thể mặc quần áo cho họ và giữ họ ở trong nhà một đêm.  Nhưng bây giờ những chuyện đó sẽ không xảy ra," theo chia sẻ của Alessandro, người có ông chú 74 tuổi vừa qua đời ở Codogno, thị trấn vùng Lombardy nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên. "Bạn thậm chí còn không được nhìn mặt họ để nói lời tạm biệt - đó là phần tàn khốc nhất."

Tác động đau lòng của virus tại Bergamo được thể hiện tại mục cáo phó của tờ báo địa phương L’Eco di Bergamo.

Hôm 13/3 vừa qua, độc giả Giovanni Locatelli đã chia sẻ trên trực tuyến đoạn phim so sánh mục cáo phó của tờ báo này hôm 9/2 - khi đó danh sách người chết mới chỉ dài một trang, với ấn bản ngày 13/3 - danh sách này đã dài ra tới 10 trang. Hôm 15/3, tờ Il Messaggero cũng đã đăng một đoạn video về những cỗ quan tài xếp hàng trong một nhà thờ.

"Chúng tôi đã đề nghị các công ty tang lễ trên cả nước hỗ trợ, vì số người chết đã tăng theo cấp số nhân," Pietro Bonaldi, giám đốc của Lia, một hiệp hội kinh doanh ở Bergamo chia sẻ. "Chúng tôi đã làm hết năng lực của mình. Thật không may, trong những ngày gần đây, nhiều nhân viên nhà tang lễ đã nhiễm virus và không thể làm việc."

Ở những nơi khác tại Italy đã xảy ra trường hợp công ty tang lễ từ chối tiếp nhận thi hài, ví dụ như ở Naples, thi hài của Teresa Franzese, 47 tuổi, đã được giữ tại nhà gần hai ngày trước khi được đưa đi.

Tất cả các nghi lễ tôn giáo, bao gồm các đám tang, các buổi tập trung đông người và đám cưới, đều bị cấm trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục