Quan hệ Italy và Nga lại được dư luận thế giới quan tâm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm chính thức Italy từ ngày 25/11, với một chương trình công tác đồ sộ liên quan chủ yếu đến việc mở rộng quan hệ đối tác kinh tế chiến lược giữa hai nước.
Trong chuyến thăm trở lại Italy sau 7 năm cũng như sau 3 năm không có một cuộc tiếp xúc chính thức nào ở cấp chính phủ giữa hai nước, ông Putin đưa sang Italy hầu như toàn bộ Chính phủ Nga, với 11 bộ trưởng. Hai bên sẽ ký 7 hiệp định cấp chính phủ và xem xét lại quá trình thực hiện 20 hiệp định thương mại đã ký trong những năm qua.
Theo bình luận của Nhật báo hàng đầu Italy Corriere della Sera, mối quan hệ Italy và Nga nồng ấm trở lại trong thời gian này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Roma lẫn Moskva.
Nga từ lâu đã là đối tác số 1 của Italy về khí đốt và là nhà cung cấp lớn thứ hai về dầu mỏ. Về kinh tế, Nga lại cần Italy để vươn bàn tay của mình ra khu vực Địa Trung Hải, khi tập đoàn dầu khí khổng lồ của họ là Gazprom đã kí hiệp định hợp tác với tập đoàn năng lượng lớn nhất Italy ENI từ năm 2007, để xây dựng hệ thống dẫn khí đốt từ Trung Á đến Nam Âu.
Về mặt chính trị, Italy cần quan hệ với Nga để phá vỡ thế cô lập ở châu Âu, khi họ bị cho ra rìa trong việc xây dựng chính sách của EU, vốn do đầu tầu Đức và Pháp nắm giữ. Trong khi đó, sự ủng hộ của Italy đối với Nga trong cuộc chiến 7 ngày ở Gruzia mùa Hè năm 2008 đã giúp Moskva tránh được một nghị quyết phản đối của EU.
Ông Putin và Moskva biết ơn Roma vì điều này. Và bây giờ, họ trở lại Italy để tăng cường hợp tác thương mại và thắt chặt mối quan hệ địa chính trị với Chính phủ Roma như một sự trả ơn. Trước chuyến đi, trả lời phỏng vấn báo Italy, Tổng thống Putin tuyên bố "Italy luôn là đối tác chiến lược quan trọng của chúng tôi, mặc dù giữa hai bên cũng có những lúc khó khăn."
Trên thực tế, mối quan hệ Italy-Nga có một cú hích lớn từ năm 2007, khi ENI được Gazprom bán 50% cổ phần của "Dòng chảy Phương Nam" khi liên doanh khổng lồ này được thành lập nhằm đưa các dòng khí đốt từ biển Đen và biển Caspian chạy sang các nước Balkan, Áo và Italy mà không cần phải chạy qua Ukraina nữa. Với hiệp định ấy, Gazprom và đằng sau là Moskva chính thức mở rộng tầm hoạt động sang Nam Âu và trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Italy với 19 tỷ m3/năm.
Hiện tại, cổ phần của ENI trong Gazprom đã giảm xuống 20% và vừa từ bỏ Siberia khi bán cổ phần của họ cho tập đoàn Severenergia, nhưng quan hệ đối tác Italy-Nga không hề giảm sút mà còn được tăng cường hơn nữa khi các tập đoàn năng lượng khác của Nga, với sự hậu thuẫn của ông Putin, nhảy vào đầu tư ở Italy. Tập đoàn Lukoil của tỷ phú Vagit Alekperov, người giàu thứ năm ở Nga, dự kiến sẽ mua toàn bộ nhà máy lọc dầu Priolo của tập đoàn Italy ERG ở Sicilia.
Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga, dự kiến sẽ tăng cổ phần của mình trong tập đoàn Saras của gia đình Moratti lên trên con số 21% để gia tăng sự có mặt của họ ở Địa Trung Hải.
Trong thời điểm Italy đang trải qua cuộc suy thoái kinh tế dài nhất kể từ hai thập nien qua và không còn là điểm hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài thì đầu tư của tư bản Nga vào Italy.
Các tập đoàn Nga đã nhảy vào lĩnh vực viễn thông (Vimpelcom mua hãng thông tin di động Wind), nước uống giải khát (Russian Standard mua Gancia), ngân hàng (Alfa Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga mua 5% cổ phần của Unicredit, ngân hàng hàng đầu Italy) cho đến các hoạt động sản xuất thép, da giày, may mặc và nông phẩm.
Nhiều khả năng, trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin, Thủ tướng Italy Enrico Letta cũng sẽ mời chào các nhà đầu tư Nga mua cổ phần của những tập đoàn hàng đầu Italy đang trong quá trình tư hữu hóa từng phần nhằm lấy tiền trả nợ công và hỗ trợ ngân sách nhà nước cho năm 2014.
Chính phủ Italy dự kiến sẽ thu được 10 đến 12 tỷ euro tiền bán cổ phần từ các tập đoàn này./.