Italy và Nam Phi hợp tác nghiên cứu vắcxin điều trị HIV/AIDS

Loại vắcxin điều trị HIV/AIDS được biết dưới tên gọi "Tat," cho thấy khả năng cải thiện rõ rệt các liệu pháp điều trị hiện có đối với người bị nhiễm virus HIV.
Italy và Nam Phi hợp tác nghiên cứu vắcxin điều trị HIV/AIDS ảnh 1Virus HIV nhìn qua kính hiển vi. (Nguồn: ANSA)

Theo hãng thông tấn Nhà nước Italy (ANSA), loại vắcxin điều trị HIV/AIDS được biết dưới tên gọi "Tat," kết quả của Chương trình hợp tác song phương giữa Chính phủ Italy và Nam Phi, đã cho thấy khả năng cải thiện rõ rệt các liệu pháp điều trị hiện có đối với người bị nhiễm virus HIV.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu Italy, giáo sư Barbara Ensoli cho biết trong một thử nghiệm với khoảng 200 bệnh nhân nhiễm HIV tại Nam Phi, chỉ với một lượng nhỏ "Tat," hệ thống miễn dịch của người bệnh đã được củng cố, đặc biệt, hiệu quả của các loại thuốc kháng HIV cũng tăng lên rõ rệt.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận sự tăng lên rất đáng kể số lượng tế bào T-CD4, loại tế bào có vai trò trung tâm trong đáp ứng hệ miễn dịch, trong máu người bệnh đang được điều trị bằng các loại thuốc ức chế sự phát triển của virus HIV.

Kết quả này góp phần khẳng định các kết quả đã thu được trong các phòng thí nghiệm tại Italy.

Cho đến nay, tại Nam Phi có khoảng 7 triệu người bị nhiễm virus HIV (tương đương 20% dân số).

Trung tâm Quốc gia nghiên cứu HIV/AIDS của Italy (CNAIDS) cũng đã khẳng định những thông tin tích cực này trên các tạp chí chuyên ngành. Quá trình nghiên cứu vắcxin "Tat" đã hoàn tất giai đoạn thứ 2 tại Nam Phi.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Sức khỏe Italy, Walter Ricciardi cho biết những kết quả mới thu được sẽ giúp đưa các nghiên cứu bệnh học từ phòng thí nghiệm sẽ nhanh chóng trở thành các công cụ điều trị, chăm sóc sức khỏe đại trà.

"Chương trình hỗ trợ Bộ Y tế Nam Phi trong triển khai các nỗ lực quốc gia trong phòng, chống bệnh HIV/AIDS" do Bộ Ngoại giao Italy tài trợ, có ngân sách 22 triệu euro.

Hiện tại, các nhóm nghiên cứu Italy và Nam Phi đều đang kêu gọi thêm tài trợ từ các tổ chức quốc tế để triển khai tiếp giai đoạn nghiên cứu thứ ba và vắcxin thử nghiệm có thể được đăng ký tại Nam Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục