Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Italy và Hungary cam kết sẽ hợp tác nhằm đem đến “sự thay đổi mang tính lịch sử” trong cách thức giải quyết của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng người di cư, vấn đề an ninh và nhiều vấn đề khác.
Đây là kết quả đạt được trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini tại thành phố Milan của Italy ngày 28/8, giữa lúc hàng trăm người biểu tình phản đối những chính sách cứng rắn của hai nhân vật này.
Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Viktor Orban, ông Salvini cho biết Italy và Hungary đang hợp tác nhằm thành lập một liên minh để "đưa các giá trị và bản sắc” mà các chính đảng của họ đại diện trở lại vị trí trung tâm.
Ông Salvini kêu gọi Pháp nên chứng tỏ “sự đoàn kết và sáng suốt” hơn nữa trong vấn đề nhập cư và nên đình chỉ chính sách trao trả những người di cư vốn đang tìm cách vào nước Pháp tại cửa khẩu biên giới ở khu vực Ventimiglia.
Về phần mình, Thủ tướng Hungary Orban chia sẻ quan điểm cứng rắn trong vấn đề người di cư và chống nhập cư trái phép, cho rằng "an ninh của châu Âu phụ thuộc vào sự thành công của ông Salvini."
Ông Orban khẳng định sẽ không cho phép người di cư nhập cảnh vào Hungary.
[Rắc rối xoay quanh "bài toán" giải quyết gốc rễ vấn đề di cư của EU]
Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một ủy ban châu Âu mới cam kết bảo vệ các đường biên giới của châu Âu.
Thủ tướng Hungary Orban luôn duy trì quan điểm rằng ưu tiên của Hungary là không để người di cư vào nước này.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Italy Salvini lâu nay luôn có chủ trương cứng rắn trong vấn đề người di cư và đã thúc đẩy chính sách của Italy, theo đó buộc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác phải tiếp nhận những người di cư mới được giải cứu.
Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh Italy và EU vẫn bế tắc trong việc giải quyết vụ khoảng 150 người di cư mắc kẹt trên tàu Diciotti của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ở đảo Sicily sau khi được tàu này giải cứu.
Italy hiện không cho phép số người di cư này rời tàu, đồng thời yêu cầu các nước thành viên EU khác đồng ý tiếp nhận số người di cư trên, song cho tới nay, mới chỉ có Albania, một nước không phải thành viên EU, cam kết tiếp nhận một phần.
Ngày 25/8 vừa qua, nhà chức trách Italy đã cho phép 17 người rời tàu sau khi quyết định tiếp nhận của Albania. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu nhiều lần tuyên bố đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận giữa các nước nhằm giải quyết số người di cư trên tàu Diciotti./.