Italy: Tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức kỷ lục trong tháng 9

Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy đạt mức kỷ lục trong tháng 9 vừa qua, với tổng cộng 12,5% số người trong độ tuổi đi làm không có việc, tương đương 3,2 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy đã đạt mức kỷ lục trong tháng 9 vừa qua, với tổng cộng 12,5% số người trong độ tuổi đi làm không có việc, tương đương với 3,2 triệu người. Đó là con số mới nhất mà Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) đưa ra hôm 31/10.

Phóng viên TTXVN tại Italy trích dẫn thống kê của ISTAT cho biết, đây là tỷ lệ cao chưa từng có kể từ năm 1977, khi cơ quan bắt đầu thực hiện việc thống kê tỷ lệ thất nghiệp theo quý, và sau đó, theo tháng, kể từ năm 2004.

Điều đặc biệt nghiêm trọng chính là số thanh niên trong độ tuổi lao động thất nghiệp ngày càng lớn.

Thống kê của ISTAT cho thấy, hơn 30% số thanh niên Italy thất nghiệp. tỷ lệ này đặc biệt cao ở miền nam, nhất là những tỉnh nghèo nhất nước, có nơi lên đến hơn 50%.

Một thống kê khác cho thấy, số người sống trong cảnh đói nghèo ở Italy cũng đã tăng lên con số cao nhất kể từ hơn 30 năm qua, với hơn 5 triệu người, gấp đôi năm 2007. Một nửa trong số đó đang sống ở miền nam Italy.

Những con số ấy là sự thể hiện rõ nét nhất cuộc khủng hoảng ở một trong những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, nhưng đã rơi vào suy thoái kinh tế từ hơn hai năm qua.

Sự bất ổn chính trị càng ảnh hưởng lớn đến không chỉ niềm tin của các cử tri và những đảng phái chính trị, mà còn tác động xấu đến niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Một thăm dò ISTAT mới công bố cho thấy, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp Italy vào việc nền kinh tế nước này có thoát khỏi khủng hoảng hay không đã giảm từ 82,8 điểm xuống còn 79,3.

Trong khi đó, cũng ISTAT dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2013 là -0,2%, trong khi nợ công đã lên đến gần 140% GDP, buộc chính phủ Italy phải thực hiện nhiều chính sách cấp thiết nhằm cứu vãn tình hình.

Tuy nhiên, các chính sách kinh tế mới của nội các Thủ tướng Enrico Letta thông qua hồi tháng 10 đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt của nhiều thành phần xã hội. Nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở nhiều nơi trên nước Italy, trong đó có cả cuộc đụng độ với cảnh sát.

Các chính sách gắn liền với dự toán ngân sách 2014 này không đi kèm với việc tăng thuế và cắt giảm các chi phí dịch vụ y tế cơ bản, nhưng lại đánh vào những người sở hữu nhà và cả những người cho thuê nhà.

Chính phủ liên minh lỏng lẻo của Thủ tướng Letta không chỉ bị chỉ trích bởi những chính sách này, mà còn đang bị ảnh hưởng và chưa bao giờ ổn định bởi những cuộc đấu tranh giữa các phe phái trong nội bộ, trong khi số phận của Silvio Berlusconi, người đã ba lần làm Thủ tướng Italy, sắp được định đoạt trong cuộc bỏ phiếu trong tháng 11 về việc có gạt bỏ ông khỏi ghế thượng nghị sĩ hay không.

Theo bình luận của nhật báo kinh tế Mặt trời 24 giờ, rất khó có thể dự đoán bao giờ Italy sẽ thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng tờ báo này cho rằng, ổn định kinh tế chỉ có thể có được một khi nền chính trị không có những biến động quá lớn như lúc này. Vấn đề là bao giờ nền chính trị ấy ổn định thì khó ai có thể trả lời được.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục