Italy tuyên bố sẽ bắt giữ 2 tàu cứu hộ trên Địa Trung Hải

Chính phủ Italy tuyên bố sẽ bắt giữ tàu Lifeline và tàu Seefuchs thuộc tổ chức phi chính phủ Mission Lifeline của Đức và đưa 2 tàu về cảng của Italy để điều tra tình trạng pháp lý của những tàu này.
Tàu Lifeline. (Nguồn: ANSA)

Italy ngày 21/6 tuyên bố sẽ bắt giữ 2 tàu cứu hộ người di cư, trong đó có 1 tàu chở hơn 200 người đang bị mắc kẹt trên Địa Trung Hải, với lý do những tàu này treo cờ Hà Lan "trái phép."

Theo Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Italy Danilo Toninelli, Chính phủ Italy sẽ bắt giữ tàu Lifeline và tàu Seefuchs thuộc tổ chức phi chính phủ Mission Lifeline của Đức và đưa 2 về cảng của Italy để điều tra tình trạng pháp lý của những tàu này.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini cho rằng tàu treo cờ Hà Lan thì cần "đi tới Hà Lan," đồng thời nhấn mạnh "các tàu thuộc các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài sẽ không bao giờ có thể đi vào lãnh thổ Italy một lần nữa."

Cũng theo ông Salvini, phản hồi đề nghị của Chính phủ Italy, Hà Lan cho biết 2 tàu này mang cờ Hà Lan trái phép.

Trong một dòng tweet, đại diện Hà Lan tại Liên minh châu Âu (EU) cho biết tàu Seefuchs và tàu Lifeline thuộc một tổ chức phi chính phủ của Đức và không có trong danh mục đăng ký của hải quân Hà Lan.

[Tàu quân sự Italy đưa hơn 500 người tị nạn cập cảng]

Bộ trưởng Nội vụ Italy Salvini cũng cáo buộc tàu Lifeline vi phạm luật pháp quốc tế khi giải cứu 226 người di cư ngoài khơi Libya, bất chấp việc lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia Bắc Phi này ngăn cản.

Theo ông, tàu Lifeline khiến mạng sống của những người di cư bị đe dọa, khi chỉ có khả năng chở 50 người song lại đưa tới hơn 200 người lên tàu.

Thậm chí, Bộ trưởng Salvini còn coi tàu Lifeline giống như "tàu cướp biển," đồng thời nhắc lại cáo buộc các tổ chức phi chính phủ có liên quan đến các tổ chức buôn người hoạt động tại Libya.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Toninelli cho biết Italy sẽ một lần nữa cứu những người di cư, đưa họ lên các tàu Italy và bắt giữ tàu Lifeline. Tương tự, tàu Seefuchs cũng sẽ bị bắt giữ. Ông cho rằng cứu người là quan trọng song đảm bảo an toàn và pháp lý phải đặt lên hàng đầu.

Về phần mình, tổ chức quản lý tàu Lifeline khẳng định việc tàu này cứu những người di cư hoàn toàn phù hợp với các quy định quốc tế, đồng thời kêu gọi có một cảng an toàn để những người di cư được cứu có thể lên bờ, tránh xảy ra tình huống tương tự như đối với tàu Aquarius.

Hồi đầu tháng, do cả Malta và Italy đều từ chối mở cửa cảng, nên tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee - vốn cứu hộ 630 người di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải, phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italy. Sau đó, Tây Ban Nha đồng ý cho tàu trên cập cảng Valencia của nước này.

Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết hơn 200 người di cư đã thiệt mạng trong hai ngày 19 và 20/6 ở ngoài khơi Libya, đưa tổng số người di cư thiệt mạng trên tuyến đường chính nối châu Phi và châu Âu trong năm nay lên ít nhất 1.000 người.

Trong một tuyên bố UNHCR kêu gọi các cộng đồng quốc tế cần hành động ngay nhằm tăng cường cứu hộ trên biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục