Những số liệu thống kê mới công bố về nền kinh tế đã phủ bóng đen lên Italy, với những nỗi lo về giảm phát, thất nghiệp tăng cao và suy thoái kéo dài, cho dù hàng loạt các đề xuất quan trọng nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng nặng nề đã được chính phủ đưa ra.
Theo Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), trong tháng Tám này, lần đầu tiên Italy rơi vào tình trạng giảm phát kể từ năm 1959, với giá tiêu dùng giảm 0,1% sau khi tăng 0,1% trong tháng trước đó.
Điều này cho thấy xu hướng "thắt lưng buộc bụng" triệt để nhằm đối phó với khủng hoảng của các gia đình Italy đã khiến sức mua giảm và thị trường Italy rơi vào tình trạng cung thừa cầu thiếu.
Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng giảm sút trong tháng Tám, tháng thứ ba liên tiếp ở tình trạng này, cũng như sự bi quan của các doanh nghiệp vào khả năng phục hồi của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Italy.
Theo ISTAT, tình trạng giảm phát gắn chặt với việc tỷ lệ thất nghiệp cao và nỗi lo mất việc của hàng triệu người lao động có hợp đồng bấp bênh.
Trong tháng Tám, tỷ lệ thất nghiệp ở Italy là 12,6%, có giảm dù không nhiều so với quý 2/2014, nhưng vẫn là mức rất cao và có khả năng sẽ còn lên cao nữa cho đến cuối năm.
ISTAT cho biết số người thất nghiệp ở Italy thời điểm này là 3,22 triệu người, chủ yếu ở miền Nam, cao hơn 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở mức 42,9% và số thanh niên dưới 25 tuổi đang kiếm tìm việc làm hiện tại đã lên đến hơn 700.000 người.
Những thống kê của ISTAT cũng khiến cho sự lạc quan của chính phủ vào khả năng hồi phục của nền kinh tế trở nên thiếu thuyết phục hơn.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 2/2014, chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi cho rằng, trong năm 2014, kinh tế Italy sẽ thoát khỏi suy thoái và đạt tăng trưởng trở lại trên 1%. Nhưng trong những tháng qua, Bộ trưởng Kinh tế Carlo Padoan đã luôn phải hạ dự báo tăng trưởng xuống dưới con số này.
Theo báo cáo mới nhất của ISTAT, GDP của Italy trong quý 2 giảm 0,2% so với quý trước, trong khi ở quý 1 giảm 0,1%. Điều đó cho thấy Italy vẫn tiếp tục đà suy thoái trong một cuộc khủng hoảng kinh tế dài và nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến 2.
ISTAT dự báo trong những tháng tới, kinh tế Italy sẽ tiếp tục tăng trưởng âm.
Nền kinh tế Italy vẫn suy thoái cho dù chính phủ đưa ra nhiều đề xuất và chương trình cải cách nhằm bảo vệ người lao động và những người có thu nhập thấp.
Tình trạng suy thoái tiếp tục và tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ buộc chính phủ của Thủ tướng Renzi phải thúc đẩy những cải cách một cách mạnh mẽ, thực tế và hiệu quả hơn.
Hôm 29/8, Chính phủ Italy đã thông qua một quyết sách với tên gọi "Khai thông Italy" nhằm tiến hành cải cách hệ thống tư pháp, giáo dục, kinh tế, đồng thời hoàn thiện bộ máy hành chính công nhằm giảm bớt tệ quan liêu và kích thích đầu tư vào nền kinh tế.
Theo quyết sách này, chính phủ cam kết đầu tư 10 tỷ euro trong vòng 12 tháng tới vào các dự án cơ sở hạ tầng ở miền Nam Italy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng./.