Italy trả tự do cho cựu thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont

Luật sư đại diện cho biết ông Carles Puigdemont được tự do rời khỏi hòn đảo nhưng sẽ phải trở lại để tham gia phiên tòa tiền thẩm vào đầu tháng 10 tới.
Cựu thủ hiến vùng Catalonia ông Carles Puigdemont (giữa) được trả tự do tại Sassari, đảo Sardinia, Italy, ngày 24/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/9, cựu thủ hiến vùng Catlonia, Tây Ban Nha, ông Carles Puigdemont, đã được trả tự do sau khi bị giới chức Italy bắt giữ một ngày trước đó.

Luật sư đại diện Agostinangelo Marras cho biết ông Puigdemont được tự do rời khỏi hòn đảo nhưng sẽ phải trở lại để tham gia phiên tòa tiền thẩm vào đầu tháng 10 tới.

Tại đây, tòa án sẽ xem xét yêu cầu dẫn độ ông Puigdemont mà phía Tây Ban Nha đưa ra.

[Cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont bị bắt giữ]

Giới chức Italy bắt giữ ông Puigdemont trên cơ sở lệnh bắt giữ được đưa ra hồi tháng 10/2019 theo yêu cầu của Tây Ban Nha, với lý do ông này liên quan cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập cho vùng lãnh thổ Catalonia vi phạm luật pháp Tây Ban Nha.

Sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2017, ông Puigdemont đã rời khỏi Tây Ban Nha nhưng vẫn là một thành viên của Nghị viện châu Âu (EP).

Ông này đã ở Brussels (Bỉ) trong suốt những năm qua.

Khi bị bắt giữ, ông Puigdemont đang trên đường đến Sardinia với tư cách là nghị sỹ châu Âu.

Trước đó, hồi đầu năm nay, ông Puigdemont cùng hai cựu thành viên trong chính quyền vùng Catalonia là Bộ trưởng Y tế vùng Toni Comin và bà Clara Ponsati đã bị EP tước quyền miễn trừ truy tố với tư cách là nghị sỹ châu Âu.

Hồi tháng 10/2017, ông Puigdemont và chính quyền vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về quy chế độc lập cho vùng lãnh thổ này bất chấp lệnh cấm từ tòa án Tây Ban Nha.

Sau đó, vùng Catalonia đơn phương tuyên bố tách ra độc lập với Tây Ban Nha, buộc chính quyền trung ương Madrid phải can thiệp, lấy lại quyền kiểm soát trực tiếp, giải tán chính quyền vùng và kêu gọi bầu cử sớm.

Tây Ban Nha sau đó đã phát lệnh bắt giữ và tìm cách dẫn độ 3 nhân vật Puigdemont, Comin và Ponsati liên quan đến vai trò của họ trong việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép trên.

Tuy nhiên, cho đến nay, Bỉ vẫn từ chối thực hiện yêu cầu của Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục