Năm 2014 là một năm mà Italy chìm trong suy thoái kinh tế. Nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã trở thành mối lo ngại của Liên minh châu Âu khi không có những dấu hiệu hồi phục và nguy cơ khủng hoảng kinh tế và chính trị sẽ còn kéo dài.
Ngày 24/2, Italy chính thức có một chính phủ mới. Nội các trẻ trung với một nửa số bộ trưởng là nữ của ông Matteo Renzi trở thành chính phủ thứ ba của Italy trong vòng bốn năm, trong khi bản thân ông Renzi đi vào lịch sử với tư cách là Thủ tướng trẻ nhất, mới 39 tuổi.
Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi đã tạo được những ấn tượng tốt ban đầu về sự quyết đoán và mạnh mẽ trong các đề xuất cải tổ về kinh tế và chính trị, nhằm đưa Italy ra khỏi cuộc khủng hoảng lớn mà các chính phủ tiền nhiệm đã bất lực trong việc điều hành đất nước và tìm lối thoát trong khó khăn.
Tuy nhiên, càng về cuối năm uy tín của ông Renzi, của chính phủ và đảng Dân chủ cầm quyền đã giảm sút mạnh mẽ do vấp phải sự phản đối trong đạo luật lao động mới được thông qua. Đạo luật mới của chính phủ cho phép sa thải người lao động một cách dễ dàng hơn đã dẫn đến hàng loạt cuộc tổng bãi công và biểu tình đã nổ ra trên cả nước.
Sự sa sút về uy tín của chính phủ và đảng Dân chủ cầm quyền cùng với sự trỗi dậy của các lực lượng và chính đảng bài ngoại, chống người nhập cư và đòi Italy rút khỏi Eurozone đã khiến cho bầu không khí chính trị ở Italy bị vẩn đục và hỗn loạn.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng, sản xuất công nghiệp đình đốn, tăng trưởng GDP ở mức âm và tham nhũng tiếp tục lan tràn trong những bê bối mới được phanh phui.
Nhiều cử tri cho rằng, hiện tại, mức độ tham nhũng của Italy hiện tại còn cao hơn scandal Tangentopoli đã làm sụp đổ cả một hệ thống chính trị của nước này cách đây 20 năm. Điều đó khiến các cử tri thất vọng và thậm chí có người lo ngại rằng trong năm 2015 nhiều khả năng họ sẽ lại phải đi bỏ phiếu để chọn một chính phủ mới./.