Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni ngày 23/12 thông báo chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn, đặc biệt là ngân hàng lâu đời nhất thế giới Monte dei Paschi di Siena (BMPS).
Thủ tướng Paolo Gentiloni cho biết mục tiêu của Chính phủ Italy là đảm bảo các khoản tiền gửi của người dân, đồng thời làm cho ngành ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn và vững chắc hơn.
Thông báo trên đưa ra ngay sau khi ngân hàng BMPS công bố kế hoạch huy động khoản vốn 5 tỷ euro (khoảng 5,3 tỷ USD) đã thất bại và cần đến gói cứu trợ của chính phủ.
Trước đó, ngân hàng BMPS, ngân hàng lớn thứ ba Italy, đã đưa ra chương trình huy động khoản vốn 5 tỷ euro từ nay cho đến cuối năm nhằm khắc phục tình trạng nợ xấu trầm trọng.
Động thái này của BMPS là nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn khả năng phải nhờ đến sự can thiệp của chính phủ.
Tuy nhiên, BMPS đã chính thức thừa nhận thất bại trong việc thu hút các nhà đầu tư đặc biệt từ Qatar hay Mỹ và Trung Quốc.
Ngân hàng BMPS thành lập năm 1472 tại Siena, Italy.
Ngân hàng này rơi vào tình trạng khó khăn trong suốt vài năm qua, đặc biệt là sau khi mua ngân hàng Antonveneta, cùng các vụ bê bối gian lận và lạm dụng quỹ của đội ngũ nhân viên quản lý BMPS.
Trong giai đoạn từ 2011-2015, ngân hàng BMPS điêu đứng vì khoản thua lỗ ước tính lên đến 14 tỷ euro. Cho đến nay, BMPS đang gánh khoản nợ xấu khổng lồ lên tới 27,6 tỷ euro (khoảng 28,9 tỷ USD).
Trước đó, ngày 20/12 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Paolo Gentiloni cũng đã giành được sự ủng hộ của cả hai viện quốc hội về việc nâng mức nợ công của nước này thêm 20 tỷ euro trong bối cảnh nhà nước có thể phải can thiệp nhằm giải cứu các ngân hàng đang gặp rắc rối.
Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Italy hiện lên tới khoảng 360 tỷ euro./.