Hãng thông tấn ANSA ngày 6/4 cho biết Chính phủ Italy đã thông qua gói thanh khoản 750 tỷ euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp, trong đó huy động 200 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp và 200 tỷ euro hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
Dẫn nguồn tin từ Bộ Kinh tế và Tài chính Italy, ANSA cho hay chính phủ nước này đã nhất trí thỏa thuận về gói thanh khoản trị giá trên 750 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp, theo đó sẽ huy động thêm 400 tỷ euro vào gói hỗ trợ 350 tỷ euro theo sắc lệnh Cura Italia.
Theo sắc lệnh thanh khoản hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ Italy sẽ huy động 200 tỷ euro để giúp các doanh nghiệp có thể vay vốn với mức bảo đảm lên tới 90%, và không giới hạn doanh thu. Ngoài ra, vai trò của Dịch vụ bảo hiểm thương mại (Sace) cũng được tăng cường trong lĩnh vực sản xuất nhằm hỗ trợ hoạt động quốc tế hóa các doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 17/3, Chính phủ Italy đã công bố sắc lệnh Cura Italia, với gói cứu trợ trị giá 25 tỷ euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình trước tác động của đại dịch.
Ngoài ra, chính phủ cũng có ý định bơm "một lượng thanh khoản rất lớn” vào hệ thống tài chính trong nước nhằm mang lại nguồn tiền mặt 350 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tình trạng khẩn cấp COVID-19.
[Kinh tế Italy có thể mất khoảng 100 tỷ euro mỗi tháng do dịch bệnh]
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 6/4 thông báo đã giải ngân 1 tỷ euro cho Quỹ châu Âu về Đầu tư Chiến lược (FEIS) nhằm bảo lãnh cho Quỹ đầu Đầu tư châu Âu (FEI), vốn thuộc nhóm công tác của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (BEI).
Điều này cho phép FEI phát hành bảo lãnh đặc biệt nhằm khuyến khích các ngân hàng và các định chế cho vay khác cung cấp tiền mặt ít nhất cho 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, với khoản tài trợ được ước tính lên tới 8 tỷ euro.
Quyết định trên là nhằm thực hiện cam kết đưa ra trong thông cáo ngày 13/3 của EC để hỗ trợ ngay lập tức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Số tiền này có thể được giải ngân vào đầu tháng này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một trong những hậu quả kinh tế trực tiếp từ đại dịch COVID-19 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đột ngột bị thiếu vốn. Theo EC, các doanh nghiệp này là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cần được hỗ trợ kịp thời lượng vốn đủ lớn. Tuy nhiên, trong tình huống thiếu hụt vốn, các ngân hàng sẽ không sẵn sàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, do nguy cơ rất cao.
Chính vì vậy, việc bảo lãnh của EU hỗ trợ các khoản cho vay này là cần thiết. FEI mang tới thị trường bảo lãnh được dựa trên FEIS nhằm hạn chế tác động của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ./.