Dư luận Italy tỏ ra lo lắng và thất vọng sau khi FIAT, tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu của nước này công bố quyết định rời trụ sở chính của họ khỏi Italy, nơi họ đã gắn bó trong hơn một thế kỉ, để bắt đầu thể hiện điều mà chủ tịch HĐQT Sergio Marchionne cho là ''tầm vóc toàn cầu của hãng.''
Sau tuyên bố của Marchionne, Thủ tướng Italy Enrico Letta đã nói rằng, ông ''tôn trọng quyết định của hãng,'' nhưng nhấn mạnh rằng, ''Vấn đề về trụ sở chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng là chỗ làm cho các công nhân, số xe bán được và tầm vóc toàn cầu của hãng.''
Tuy nhiên, nghị sĩ Filippo Taddei, một nhà kinh tế, cho rằng, ''mọi quyết định đều có những hậu quả riêng. Với thay đổi này, FIAT không còn là một hãng của Italy nữa.''
Rất nhiều những chính trị gia khác đã chỉ trích quyết định rời bỏ Italy này của FIAT, nhưng đồng thời cũng công kích chính phủ về việc không tạo được điều kiện cho những tập đoàn lớn mang bản sắc quốc gia này trong thời kì khủng hoảng kinh tế.
Mối lo ngại chính của họ cũng như các nghiệp đoàn là liệu các công nhân Italy có bị ảnh hưởng đến chỗ làm và cuộc sống của họ.
FIAT có hơn 200 nghìn công nhân, trong đó có 150 nghìn ở Italy.
Đánh giá về việc mua hãng xe phá sản của Mỹ Chrysler, một số nhật báo lớn của Italy cho rằng, đây là một canh bạc lớn nhất của FIAT trong lịch sử kể từ nửa thế kỉ nay.
Nhật báo kinh tế Mặt trời 24 giờ cho rằng, rời khỏi Italy là một quyết định ''nhạy cảm về chính trị'' trong thời điểm hãng muốn kết hợp với thương hiệu Chrysler để vực dậy nhãn hiệu FIAT trên phạm vi toàn cầu, trong thời điểm họ bị lỗ vào năm 2013, trong khi thị phần của hãng ở chính nước Ý cũng sút giảm mạnh.
Với quyết định mới, FIAT sẽ có trụ sở ở Hà Lan và niêm yết thuế ở Anh.
Trụ sở hiện tại của FIAT ở thành phố Turin sẽ là trụ sở phụ trách khu vực Italy và Châu Âu của hãng. Họ cũng sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán New York và Milan.
Tuy nhiên, tổng cục thuế Italy cũng khẳng định là họ sẽ xem xét liệu quyết định này của FIAT có phù hợp với chính sách thuế của Italy hay không.
Năm ngoái, mặc dù bị lỗ, nhưng FIAT vẫn nộp thuế hơn nửa tỉ euro cho Italy. Với việc rời trụ sở thuế khỏi Italy, số thuế mà FIAT nộp sẽ giảm đi ít nhất 40%.
FIAT là tập đoàn xương sống của nền công nghiệp Italy, thậm chí đã có lúc được coi là một biểu tượng của nước Ý.
Tuyên bố sẽ chuyển trụ sở khỏi Italy, nơi FIAT sinh ra vào năm 1899, để chuyển đến Hà Lan, được đưa ra sau khi hãng này hoàn tất việc mua đứt tập đoàn xe hơi Chrysler của Mỹ để trở thành tập đoàn sản xuất xe hơi lớn thứ bảy của thế giới.
Nhân dịp này, FIAT cũng đổi tên thành FIAT Chrysler Automobiles, viết tắt là FCA, và đổi logo của hãng. Tuy nhiên, FIAT vẫn giữ nguyên những thương hiệu của cả FIAT lẫn Chrysler, là FIAT, Lancia, Alfa Romeo, Chrysler, Jeep, Dodge và RAM, cũng như các dòng xe đã nổi tiếng toàn cầu Maserati, Ferrari.
Sau khi sáp nhập với Chrysler, FCA hiện có 158 nhà máy và công xưởng lắp ráp trên thế giới, hoạt động ở rất nhiều quốc gia trên các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, không chỉ ôtô.
Năm 2013, doanh thu của hãng đạt 86,8 tỉ euro, tăng 3% so với năm 2012. Mục tiêu của FIAT trong năm 2014 là 93 tỉ euro và lãi từ 0,6 đến 0,8 tỉ euro.
FIAT bắt đầu quá trình thương lượng để mua Chrysler kể từ năm 2009./.