Italy: Sau 2 ngày bỏ phiếu, vẫn chưa bầu được Tổng thống mới

Sau 2 ngày với 3 vòng bỏ phiếu, các đại cử tri Italy vẫn chưa bầu được Tổng thống mới cho nước này, kết quả kiểm phiếu không ứng viên nào đạt 2/3 số phiếu.
Italy: Sau 2 ngày bỏ phiếu, vẫn chưa bầu được Tổng thống mới ảnh 1Cựu Tổng thống Italy Giorgio Napolitano (giữa) và các nghị sỹ tại phiên bỏ phiếu bầu Tổng thống ở Rome. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, sau 2 ngày với 3 vòng bỏ phiếu, các đại cử tri Italy vẫn chưa bầu được Tổng thống mới cho nước này, sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy không ứng viên nào đạt 2/3 số phiếu để được bổ nhiệm.

Điều này cho thấy, cuộc bỏ phiếu vòng 4 diễn ra hôm nay 31/1 được cho là sẽ có ý nghĩa quyết định.

Báo chí Italy cho rằng, điều này đã được dự báo trước, khi các nghị sỹ của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền và một vài chính đảng khác bỏ phiếu trống trong 3 vòng bỏ phiếu đầu tiên để bầu cho ứng viên mà Thủ tướng Matteo Renzi và đảng Pd đã lựa chọn, ông Sergio Mattarella, Thẩm phán Tòa án Hiến pháp Italy.

Theo luật Italy, bầu cử Tổng thống nước này sẽ do 1.009 đại cử tri là các Hạ nghị sỹ, Thượng nghị sỹ, nghị sỹ suốt đời và đại diện của các vùng trong các nước tiến hành bầu trong bốn vòng, với ứng viên nào giành được 2/3 số phiếu trong ba vòng bỏ phiếu đầu, tương đương với 673 phiếu, sẽ trở thành Tổng thống.

Tuy nhiên, ở vòng bỏ phiếu thứ tư, số đại cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ còn 505 người.

Nhật báo cánh tả La Repubblica cho rằng, khả năng chiến thắng của ông Mattarella rất cao, bởi đảng Pd và các đảng ủng hộ ứng viên Mattarella chiếm đa số trong 505 đại cử tri này.

Đảng Pd đã đoàn kết lại trong việc đề xuất ứng viên Mattarella, người được dư luận đánh giá là một chính khách có khả năng và là một thẩm phán có uy tín, sau một thời gian dài chứng kiến những mâu thuẫn trong nội bộ của đảng này.

Một số đảng nhỏ khác cũng đồng ý dồn phiếu cho Mattarella, dù việc này đã khiến thủ lĩnh đảng đối lập Forza Italia, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, tức giận, cho rằng Thủ tướng Renzi đã xé bỏ những thỏa thuận đạt được giữa ông và Renzi vào tháng 1/2014 liên quan đến việc cải cách luật bầu cử và cải tiến hệ thống chính trị Italy.

Ông Berlusconi tuyên bố đảng của ông sẽ để phiếu trắng trong vòng bỏ phiếu thứ tư.

Ghế Tổng thống Italy đã để trống từ hôm 14/1 vừa qua, sau khi Tổng thống Giorgio Napolitano từ chức ở tuổi 87.

Là một chức danh mang tính lễ nghi là chủ yếu, nhưng vai trò của Tổng thống Italy đã trở nên quan trọng hơn trong thời gian qua, do nền chính trị Italy quá thiếu ổn định.

Tổng thống Italy có quyền giải tán quốc hội, bổ nhiệm nội các mới và tham vấn cho các đảng phái trong việc thành lập chính phủ cũng như làm trọng tài trong các xung đột chính trị có ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước và Hiến pháp.

Tổng thống Napolitano được cho là đã làm được điều này trong thời gian qua, khi Italy đã trải qua 4 cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 2006. Mỗi nhiệm kì Tổng thống sẽ kéo dài 7 năm.

Ông Sergio Mattarella, năm nay 73 tuổi, là một trong những thành viên sáng lập của đảng Pd nhiều năm sau khi đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (Dc) mà ông là thành viên chấm dứt hoạt động.

Ông là tác giả của bộ luật bầu cử cũ của Italy và đã từng là Bộ trưởng quốc phòng. Trong quá khứ, ông đã từng một lần từ chức bộ trưởng thay vì bỏ phiếu cho một đạo luật về truyền thông được thiết kế nhằm làm lợi cho đế chế truyền thông Mediaset do Berlusconi làm chủ sở hữu.

Anh trai của ông Mattarella, Piersanti Mattarella, đã bị mafia ám sát vào năm 1980, khi ông đang làm chủ tịch vùng Sicily.

Cha của ông Mattarella, Bernardo Mattarella, đã từng làm bộ trưởng chính phủ trong những năm 1950 và 1960.

Mặc dù được nhiều chính trị gia ủng hộ, nhưng ông Mattarella không được lòng các cử tri Italy.

Thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận Ixe cho thấy, cứ 2 người được hỏi thì 1 không muốn ông Mattarella trở thành Tổng thống mới của Italy, chỉ có 20% đồng ý với đề cử của đảng Pd.

72% tuyên bố rằng, họ muốn bầu cử Tổng thống qua phổ thông đầu phiếu chứ không theo thể thức bỏ phiếu qua các đại cử tri như hiện tại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục