Chính trường Italy nói chung và các lực lượng trung tả nói riêng tiếp tục chấn động với những diễn biến mới của vụ scandal "mafia thủ đô," khi bê bối ngày càng lan rộng trong chính quyền thủ đô và ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của liên minh cầm quyền.
Ngày 14/7, Phó Thị trưởng Rome Luigi Nieri, một thành viên của đảng Cánh tả Môi sinh và Tự do (SEL), đã tuyên bố từ chức. Ông này trở thành quan chức cao cấp thứ hai của chính quyền thủ đô Italy quyết định rời bỏ vị trí của mình, sau một Tổng Thư ký của bộ máy điều hành thành phố.
Cả hai người này đều bị cho là có quan hệ gần gũi với trùm mafia Carminati và cánh tay phải của hắn là Buzzi, những người đã bị bắt vào cuối năm ngoái khi bê bối bùng nổ.
Điều này cho thấy mafia ở thủ đô Rome và nhiều quan chức các cấp của thành phố này có mối quan hệ chặt chẽ trong việc kiểm soát các gói thầu xây dựng cơ bản và nhiều hoạt động khác.
Đi xa hơn nữa, các nhà điều tra cho rằng mafia thủ đô còn tìm cách thao túng các hoạt động chính trị của chính quyền thành phố, can thiệp vào một số cuộc bầu cử ở cấp địa phương.
Phó Thị trưởng Nieri không nằm trong danh sách điều tra ban đầu của Viện công tố Rome, nhưng các nhà điều tra nghi ngờ rằng, mafia thủ đô đã can thiệp rất sâu vào các hoạt động của các quan chức thuộc đảng SEL và duy trì sự có mặt của họ trong chính quyền thành phố để đảm bảo lợi ích của chúng.
Một báo cáo của thanh tra thuộc lực lượng cảnh sát khu vực Rome cũng khẳng định rằng Nieri có quan hệ "thân thiết" và "tin tưởng" với Buzzi. Các băng ghi âm nhiều cuộc điện đàm giữa Nieri và Buzzi đã chứng tỏ điều này.
Thị trưởng Ignazio Marino, hiện đang đứng trước sức ép nặng nề của phe đối lập đòi ông từ chức và giải thể chính quyền thành phố vì đã để cho mafia thâm nhập, giờ đây sẽ phải thực hiện một loạt cải cách về nhân sự sau khi Nieri từ chức.
Trước Phó Thị trưởng Nieri, đã có 5 quan chức khác từ chức vì dính líu đến vụ bê bối này.
Vụ scandal "mafia thủ đô" ban đầu được cho là liên quan đến các đường dây tham nhũng và cấu kết với mafia dưới thời của Thị trưởng Gianni Alemanno, một người theo cánh hữu, trong các năm 2008 đến 2013.
Điều này dẫn đến việc đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền và thị trưởng Marino, một người của Pd, khẳng định rằng họ không dính líu đến scandal này.
Tuy nhiên, khi cuộc điều tra ngày càng mở rộng, chân rết của mafia do Carminati-Buzzi điều hành đã lan rộng ra khắp chính quyền thành phố, với sự tiếp tay của nhiều quan chức thuộc các đảng cánh tả, trong đó có Pd.
Cho tới nay, đã có gần 150 người bị bắt và điều tra, trong khi có hơn 20 quan chức các sở, phòng, trực thuộc chính quyền Rome từ chức kể từ khi vụ bê bối nổ ra vào cuối năm ngoái.
Theo các nhà phân tích, vụ bê bối này đã góp phần khiến cho uy tín của đảng Pd giảm sút nghiêm trọng, với những cáo buộc từ dư luận rằng chính quyền thủ đô dính líu tới tội phạm và không có khả năng điều hành.
Một cuộc thăm dò mới công bố của Viện nghiên cứu dư luận Piepoli cho thấy uy tín của Pd đã giảm 3% trong vòng một tháng qua, chỉ còn 32,5% và hiện chỉ còn hơn Phong trào 5 Sao, hiện đứng ngay phía sau, 8 điểm./.