Trong quá trình xem xét một nhà nguyện ở Italy, các chuyên gia phục chế vừa tình cờ tìm thấy nhiều nét vẽ nguyên bản trong những bức bích họa đã phai màu của danh họa kiêm kiến trúc sư Giotto. Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật Phục hưng Italy.
Những chi tiết bị che phủ
Khi đặt chân tới nhà nguyện Peruzzi nằm trong nhà thờ Santa Croce ở Florence, các chuyên gia phục chế không nghĩ họ sẽ tìm thấy thứ gì đó tương tự như toàn bộ một bản gốc tranh vẽ của danh họa Giotto.
Thế nhưng họ tình cờ làm được điều đó nhờ thiết bị sử dụng tia tử ngoại. Những tia sáng mà mắt người không thể nhìn thấy đã làm lộ ra các bức tranh gốc của Giotto vẽ tại nhà nguyện, với những chi tiết đáng ngạc nhiên, sau hàng thế kỷ bị che phủ.
"Chúng tôi đã phát hiện một bí mật của Giotto," Isabella Lapi Ballerini, lãnh đạo Opificio Delle Pietre Dure, một trong những cơ quan chịu trách nhiệm phục chế các tác phẩm nghệ thuật có uy tín nhất thế giới, cho biết.
Năm ngoái, hơn một chục nhà nghiên cứu và chuyên gia phục chế của cơ quan thuộc Bộ Di sản văn hóa Italy này đã bắt đầu dự án tham vọng nhằm tìm hiểu tình trạng của nhà nguyện Peruzzi, được Giotto vẽ tranh trang trí vào năm 1320.
Mục tiêu của dự án, được tài trợ bởi Quỹ Getty ở Los Angeles, Mỹ, là thu thập thông tin về nhà nguyện rộng 170m2 nói trên để sử dụng làm "phác đồ điều trị" cho các hoạt động phục chế và trùng tu trong tương lai.
Trong quá trình tiến hành dự án, kéo dài khoảng 4 tháng, các chuyên gia phát hiện rằng khi xem xét những bức tranh tại nhà nguyện dưới ánh đèn cực tím, họ thấy chúng hiện lên một cách chi tiết hơn nhiều so với việc nhìn bằng mắt thường.
"Chuyện này thực sự đã gây sửng sốt," Cecilia Frosinini, điều phối viên dự án, thổ lộ với hãng tin AP.
"Chúng tôi biết rằng có thể thu thập được những kết quả hết sức thú vị từ hoạt động nghiên cứu của mình. Nhưng chúng tôi không ngờ có thể thấy các nét vẽ rất mờ hoặc bị hư hại bởi những lần phục chế trước đây đã sống dậy dưới tia tử ngoại," Frosinini nói thêm.
“Bậc thầy” của Michelangelo
Giotto Di Bondone (1267-1337) là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thời kỳ Phục hưng ở Italy. Sự tìm tòi có tính cách mạng về hình khối cùng với cách mô tả không gian nặng tính kiến trúc và hiện thực của ông đã giúp cho hội họa phương Tây đạt được một bước tiến lớn.
Phong cách vẽ của Giotto đã gây ảnh hưởng mạnh tới Michelangelo, người sinh ra sau khi ông qua đời gần 140 năm. Michelangelo cũng đã vẽ tranh tại nhà nguyện Sistine vào đầu thế kỷ 16.
Với phát hiện mới nhất, các chuyên gia phục chế đã được chiêm ngưỡng tranh nguyên bản của Giotto như những gì Michelangelo đã được thấy khi ông cất lời ca ngợi bậc tiền bối.
Nằm dưới sự quản lý của một gia đình quý tộc, vào đầu thế kỷ 18, nhà nguyện Peruzzi đã được "tẩy trắng". Toàn bộ tranh của Giotto bị phủ lên bằng sơn.
Tuy nhiên tới năm 1840, người ta lại tẩy đi lớp sơn trắng để phục hồi các bức tranh cũ. Song những người thợ phục chế đã không tìm cách giữ gìn nguyên tác của Giotto. Họ sử dụng các kỹ thuật phổ biến vào thời đó như dùng dung môi với độ hòa tan mạnh và bàn chải thép để tẩy sơn, vì thế làm mòn các bức tranh gốc, khiến chúng bị tổn hại nặng.
Bước sang thế kỷ 19, những người phục chế còn tệ hơn khi tự ý vẽ lại các bức tranh bị hư hại của Giotto, làm chúng thay đổi không ít so với nguyên tác. Năm 1958, một cuộc phục chế quy mô đã “gỡ bỏ” những nét vẽ bị thêm vào hồi thế kỷ 19.
Khó phục chế nguyên vẹn
Mặc dù thuộc nhóm bích họa, các bức tranh của Giotto ở Peruzzi lại được vẽ bằng kỹ thuật “a secco”, tức trên những bức tường khô, không giống như các tác phẩm nổi tiếng của ông ở nhà nguyện Bardi hay tại nhà thờ St. Francis.
Giotto vẽ tranh tại nhà nguyện Peruzzi vào thời gian cuối đời và một số chuyên gia tin rằng lúc đó, ông đang cố thử nghiệm để tìm ra các hiệu ứng khác biệt hơn những gì đã tạo được bằng kỹ thuật vẽ bích họa truyền thống, vốn yêu cầu phải hoàn thành công việc khi lớp vữa trên tường vẫn còn ẩm.
“Tường khô giúp ông có những bức tranh giàu màu sắc, đẹp đẽ trên phương diện trang trí," Frosinini nhận xét, “Tuy nhiên theo thời gian, tranh vẽ trên tường khô sẽ trở nên rất dễ hư hỏng”.
Ngay sau khi phục chế hồi năm 1958, các bức tranh gốc của Giotto đã hiện lên rất mờ nhạt, như một bệnh nhân chưa bao giờ khỏi bệnh hoàn toàn. Chúng chỉ trở lại sống động và chi tiết dưới tia tử ngoại.
Đơn cử như trong cảnh Chúa chấp nhận cho tông đồ John The Evangelist lên thiên đàng, các nếp nhăn trên trán John, những sợi râu của ông, sự trong sáng nơi đôi mắt và cử chỉ hoan nghênh của Chúa... hiện lên dù chỉ thoáng qua dưới tia tử ngoại nhưng đã có những tác động thị giác rất mạnh mẽ. Thật không may, những hình ảnh này sẽ vĩnh viễn chỉ là thoáng qua. Các chi tiết kể trên chỉ hiện lên dưới ánh đèn tử ngoại, vốn rất gây hại cho việc bảo quản.
Giới chuyên gia nói rằng, cách duy nhất để chia sẻ những phát hiện tuyệt vời liên quan tới các họa phẩm của Giotto với công chúng là triển khai một dự án khổng lồ và đắt đỏ, cho phép du khách tham quan nhà nguyện ảo trên màn hình máy tính của họ.
"Công chúng sẽ không thể chia sẻ sự ngạc nhiên và những xúc cảm mà chúng tôi có được vào thời điểm các nét vẽ đã phai mờ đột ngột sống động trở lại," Frosinini tâm sự, "Vì thế tôi chỉ hy vọng có thể tìm đủ ngân sách để đưa nhà nguyện Peruzzi lên môi trường ảo, qua đó giúp chia sẻ những gì chúng tôi đã tìm ra với công chúng."./.
Những chi tiết bị che phủ
Khi đặt chân tới nhà nguyện Peruzzi nằm trong nhà thờ Santa Croce ở Florence, các chuyên gia phục chế không nghĩ họ sẽ tìm thấy thứ gì đó tương tự như toàn bộ một bản gốc tranh vẽ của danh họa Giotto.
Thế nhưng họ tình cờ làm được điều đó nhờ thiết bị sử dụng tia tử ngoại. Những tia sáng mà mắt người không thể nhìn thấy đã làm lộ ra các bức tranh gốc của Giotto vẽ tại nhà nguyện, với những chi tiết đáng ngạc nhiên, sau hàng thế kỷ bị che phủ.
"Chúng tôi đã phát hiện một bí mật của Giotto," Isabella Lapi Ballerini, lãnh đạo Opificio Delle Pietre Dure, một trong những cơ quan chịu trách nhiệm phục chế các tác phẩm nghệ thuật có uy tín nhất thế giới, cho biết.
Năm ngoái, hơn một chục nhà nghiên cứu và chuyên gia phục chế của cơ quan thuộc Bộ Di sản văn hóa Italy này đã bắt đầu dự án tham vọng nhằm tìm hiểu tình trạng của nhà nguyện Peruzzi, được Giotto vẽ tranh trang trí vào năm 1320.
Mục tiêu của dự án, được tài trợ bởi Quỹ Getty ở Los Angeles, Mỹ, là thu thập thông tin về nhà nguyện rộng 170m2 nói trên để sử dụng làm "phác đồ điều trị" cho các hoạt động phục chế và trùng tu trong tương lai.
Trong quá trình tiến hành dự án, kéo dài khoảng 4 tháng, các chuyên gia phát hiện rằng khi xem xét những bức tranh tại nhà nguyện dưới ánh đèn cực tím, họ thấy chúng hiện lên một cách chi tiết hơn nhiều so với việc nhìn bằng mắt thường.
"Chuyện này thực sự đã gây sửng sốt," Cecilia Frosinini, điều phối viên dự án, thổ lộ với hãng tin AP.
"Chúng tôi biết rằng có thể thu thập được những kết quả hết sức thú vị từ hoạt động nghiên cứu của mình. Nhưng chúng tôi không ngờ có thể thấy các nét vẽ rất mờ hoặc bị hư hại bởi những lần phục chế trước đây đã sống dậy dưới tia tử ngoại," Frosinini nói thêm.
“Bậc thầy” của Michelangelo
Giotto Di Bondone (1267-1337) là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thời kỳ Phục hưng ở Italy. Sự tìm tòi có tính cách mạng về hình khối cùng với cách mô tả không gian nặng tính kiến trúc và hiện thực của ông đã giúp cho hội họa phương Tây đạt được một bước tiến lớn.
Phong cách vẽ của Giotto đã gây ảnh hưởng mạnh tới Michelangelo, người sinh ra sau khi ông qua đời gần 140 năm. Michelangelo cũng đã vẽ tranh tại nhà nguyện Sistine vào đầu thế kỷ 16.
Với phát hiện mới nhất, các chuyên gia phục chế đã được chiêm ngưỡng tranh nguyên bản của Giotto như những gì Michelangelo đã được thấy khi ông cất lời ca ngợi bậc tiền bối.
Nằm dưới sự quản lý của một gia đình quý tộc, vào đầu thế kỷ 18, nhà nguyện Peruzzi đã được "tẩy trắng". Toàn bộ tranh của Giotto bị phủ lên bằng sơn.
Tuy nhiên tới năm 1840, người ta lại tẩy đi lớp sơn trắng để phục hồi các bức tranh cũ. Song những người thợ phục chế đã không tìm cách giữ gìn nguyên tác của Giotto. Họ sử dụng các kỹ thuật phổ biến vào thời đó như dùng dung môi với độ hòa tan mạnh và bàn chải thép để tẩy sơn, vì thế làm mòn các bức tranh gốc, khiến chúng bị tổn hại nặng.
Bước sang thế kỷ 19, những người phục chế còn tệ hơn khi tự ý vẽ lại các bức tranh bị hư hại của Giotto, làm chúng thay đổi không ít so với nguyên tác. Năm 1958, một cuộc phục chế quy mô đã “gỡ bỏ” những nét vẽ bị thêm vào hồi thế kỷ 19.
Khó phục chế nguyên vẹn
Mặc dù thuộc nhóm bích họa, các bức tranh của Giotto ở Peruzzi lại được vẽ bằng kỹ thuật “a secco”, tức trên những bức tường khô, không giống như các tác phẩm nổi tiếng của ông ở nhà nguyện Bardi hay tại nhà thờ St. Francis.
Giotto vẽ tranh tại nhà nguyện Peruzzi vào thời gian cuối đời và một số chuyên gia tin rằng lúc đó, ông đang cố thử nghiệm để tìm ra các hiệu ứng khác biệt hơn những gì đã tạo được bằng kỹ thuật vẽ bích họa truyền thống, vốn yêu cầu phải hoàn thành công việc khi lớp vữa trên tường vẫn còn ẩm.
“Tường khô giúp ông có những bức tranh giàu màu sắc, đẹp đẽ trên phương diện trang trí," Frosinini nhận xét, “Tuy nhiên theo thời gian, tranh vẽ trên tường khô sẽ trở nên rất dễ hư hỏng”.
Ngay sau khi phục chế hồi năm 1958, các bức tranh gốc của Giotto đã hiện lên rất mờ nhạt, như một bệnh nhân chưa bao giờ khỏi bệnh hoàn toàn. Chúng chỉ trở lại sống động và chi tiết dưới tia tử ngoại.
Đơn cử như trong cảnh Chúa chấp nhận cho tông đồ John The Evangelist lên thiên đàng, các nếp nhăn trên trán John, những sợi râu của ông, sự trong sáng nơi đôi mắt và cử chỉ hoan nghênh của Chúa... hiện lên dù chỉ thoáng qua dưới tia tử ngoại nhưng đã có những tác động thị giác rất mạnh mẽ. Thật không may, những hình ảnh này sẽ vĩnh viễn chỉ là thoáng qua. Các chi tiết kể trên chỉ hiện lên dưới ánh đèn tử ngoại, vốn rất gây hại cho việc bảo quản.
Giới chuyên gia nói rằng, cách duy nhất để chia sẻ những phát hiện tuyệt vời liên quan tới các họa phẩm của Giotto với công chúng là triển khai một dự án khổng lồ và đắt đỏ, cho phép du khách tham quan nhà nguyện ảo trên màn hình máy tính của họ.
"Công chúng sẽ không thể chia sẻ sự ngạc nhiên và những xúc cảm mà chúng tôi có được vào thời điểm các nét vẽ đã phai mờ đột ngột sống động trở lại," Frosinini tâm sự, "Vì thế tôi chỉ hy vọng có thể tìm đủ ngân sách để đưa nhà nguyện Peruzzi lên môi trường ảo, qua đó giúp chia sẻ những gì chúng tôi đã tìm ra với công chúng."./.
(TT&VH/Vietnam+)