Italy phá đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp

Ngày 2/6, cảnh sát Italy đã bắt giữ 5 kẻ buôn người, nằm trong số hơn 3.500 người di cư đến bờ biển Italy, với cáo buộc tổ chức đưa người bất hợp pháp tới Italy.
Italy phá đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp ảnh 1Những người nhập cư được hải quân Italy cứu trên biển. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin ANSA, ngày 2/6, cảnh sát Italy đã bắt giữ 5 kẻ buôn người, nằm trong số hơn 3.500 người di cư đến bờ biển Italy trong vài ngày qua, với cáo buộc tổ chức đưa người bất hợp pháp tới Italy.

Cảnh sát Italy cho biết thuyền trưởng của một trong những thuyền nhập cư chở khoảng 205 người đã yêu cầu được khoan hồng. Đổi lại, viên thuyền trưởng đã thú nhận và cung cấp thông tin về vụ tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp trên chiếc thuyền mà lực lượng chức năng của Italy đã theo dõi khi nó di chuyển từ Malta, trước khi đến Sicily vào ngày 1/6.

Chiếc thuyền của viên thuyền trưởng nói trên chỉ là một trong số 11 chiếc thuyền chở người di cư từ Syria và Bắc Phi được lực lượng tuần tra, cứu hộ Italy tìm thấy cuối tuần qua.

Thông tin ban đầu từ những người di cư cho biết, một số người phải trả tiền cho những kẻ tổ chức đưa người bất hợp pháp lần đầu từ Eritrea đến Libya và trả thêm một lần nữa cho chuyến đi từ Libya đến Italy. Đối với nhiều người di cư, Italy là một bước khởi đầu quan trọng để đi tới phần còn lại của châu Âu.

Cuối tuần vừa qua, rất nhiều người di cư đã chạy trốn từ các vùng chiến sự ở Trung Đông, Bắc Phi đến Italy. Lực lượng tuần tra Italy đã giải cứu 838 người đang lênh đênh trên biển vào ngày 31/5, trong khi một tàu chở 275 người di cư đã cập bờ đảo Lampadesua, Italy.

Ngoài ra, có tới 720 người từ Libya được hộ tống tới Pozzallo, Italy sau khi họ đã được các nhà chức trách Italy cứu hộ. Hoạt động này thông qua chương trình Mare Nostrum (Biển của chúng ta).

Tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano cho biết gần 40.000 người di cư hiện đã đến Italy trong năm 2014, trong khi đó 43.000 lượt người được báo cáo đã xin tị nạn vào Italy năm 2013.

"Việc ước tính số lượng người di cư đến Italy trong năm 2014 một cách thận trọng là cần thiết bởi áp lực và xu hướng người di cư đến Italy đang tăng rất cao," Alfano cho biết.

Hầu hết các vùng, tỉnh ở bờ biển cực nam của Italy đều chịu áp lực về gánh nặng đối với người di cư, đặc biệt là các đảo Lampedusa và Sicily bởi đây là những điểm đến đầu tiên cho những người di cư đến từ Trung Đông và Bắc Phi trên các con thuyền mỏng manh và những chiếc bè thô sơ.

Hiện nay, các trung tâm tiếp nhận người nhập cư dọc theo bờ biển phía Nam đã quá tải. Do vậy, Bộ trưởng Alfano cho biết một kế hoạch quốc gia đang được đưa ra "để chia sẻ gánh nặng về vấn đề người nhập cư cho các khu vực, tỉnh, thành phố khác."

Lực lượng không quân Italy đã được yêu cầu hỗ trợ thực hiện việc chuyên chở nhiều người di cư từ thành phố Sicilian, Catania đến các trung tâm tiếp nhận người di cư ở Rome và Verona. Việc di chuyển một số lượng đáng kể người nhập cư đến các thành phố khác của Italy nhằm giảm bớt gánh nặng quá tải đối với các trung tâm tiếp nhận người di cư ở Sicily.

Đa số người di cư đều có "yêu cầu được bảo vệ" và Italy bắt buộc phải chào đón họ mặc dù nghĩa vụ này liên quan đến châu Âu chứ không chỉ riêng mình Italy phải gánh vác.

Do đó, ông Alfano kêu gọi gia tăng nguồn lực cho cơ quan quản lý biên giới của Liên minh châu Âu Frontex cũng như tăng cường, hỗ trợ tuần tra biên giới phía Nam Italy và cho rằng Frontex nên chuyển trụ sở chính đến Italy. Alfano cũng đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ, tạo điều kiện để người di cư ở lại quê hương của họ.

Kể từ khi xảy ra các thảm họa chìm thuyền làm chết 400 người di cư vào tháng 10/2013 ở các vùng biển thuộc quyền quản lý của Italy, nước này đã thành lập một chương trình tìm kiếm và cứu hộ được gọi là Mare Nostrum nhằm cố gắng tránh rủi ro chết người vượt biển trong tương lai.

Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng chương trình tìm kiếm và cứu hộ chỉ khuyến khích những kẻ buôn lậu người, những kẻ biết những chiếc thuyền di cư bấp hợp pháp sẽ được nhanh chóng giải cứu từ các vùng biển của Italy.

Vấn đề người nhập cư sẽ là một chủ để nóng bỏng được Italy đưa lên hàng đầu khi nước này tiếp nhận vai trò chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu vào tháng Bảy tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục